Vợ chồng sinh 3 sau 8 năm hiếm muộn

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Aug 23, 2019.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 116)

    Bác sĩ mổ vi phẫu tinh hoàn anh Khánh "bắt" được 6 con tinh trùng rồi thụ tinh trong ống nghiệm cùng trứng của vợ anh, được 3 phôi.


    12 ngày nữa là sinh nhật một tuổi của 3 bé Ngô - Khoai - Sắn. Chị Vũ Thị Phương, 32 tuổi, vợ anh Đào Phú Khánh đang tất bật lên kế hoạch tổ chức cho các con. Anh Khánh sau tan làm là lập tức về nhà giúp vợ chăm các con, bởi chăm sóc một lúc 3 đứa trẻ có rất nhiều áp lực. "Cuộc sống rất khó khăn nhưng nhìn thấy các con là hết mệt mỏi", anh Khánh nói.

    Kết hôn được 5 năm, chị Phương mang bầu khiến cả nhà mừng rỡ. Đến tháng thai thứ 8, trong một lần đi siêu âm, hai vợ chồng như chết lặng khi bác sĩ thông báo tim thai ngừng. Nỗi đau dần nguôi ngoai, hai vợ chồng động viên nhau xây dựng lại từ đầu. Song, 2 năm trôi qua, tin vui vẫn chưa đến.

    Chị Phương làm giáo viên, hằng ngày tiếp xúc với trẻ thơ, càng khát khao có con. Không chờ đợi được nữa, hai vợ chồng tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm Muộn Hà Nội khám. Anh Khánh được chẩn đoán vô sinh do vô tinh, tức không có tinh trùng trong tinh dịch. Bác sĩ dùng kỹ thuật Micro TESE - phân mô tinh hoàn để tìm tinh trùng cho anh.

    Anh Khánh cho biết trong khi mổ, mọi cử chỉ, hoạt động lời nói của bác sĩ anh đều nghe và cảm nhận được. Lần vi phẫu đó bác sĩ thu được 6 tinh trùng, trong đó 3 con khỏe, 2 bình thường và một yếu. Các bác sĩ sau đó tiêm tinh trùng vào bào tương trứng của chị Phương để tạo thành 3 phôi.

    [​IMG]

    Ba bé Ngô, Khoai, Sắn của vợ chồng anh Khánh, chị Phương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Đầu năm ngoái, chị Phương được các bác sĩ chuyển phôi vào tử cung. 14 ngày sau đó, hai vợ chồng nhận tin thụ tinh thành công, đặc biệt đậu cả 3 thai. "Hai vợ chồng ôm nhau khóc giữa viện", anh Khánh nói.

    Thấu hiểu những khó khăn và nguy cơ xảy ra với phụ nữ mang đa thai, bác sĩ đã tư vấn giảm bớt thai để bảo toàn sức khỏe của mẹ và bé. Song, hai vợ chồng không nỡ bỏ, kiên định giữ lại cả 3 em bé và cho rằng con đến với mình là cái duyên.

    Gác lại tất cả công việc, chị Phương dồn tâm sức để nghỉ ngơi và dưỡng thai. Hàng tháng, hai vợ chồng bắt xe lên Hà Nội để theo dõi tình trạng của thai, nhất là khi biết mang thai hai trai một gái. Tháng thai cuối, anh chị chủ động lên Hà Nội thuê phòng trọ để chờ đến ngày sinh. "Ngày 3/9 năm ngoái là sinh nhật lần thứ 32 của chồng. Vợ vừa chúc mừng sinh nhật chồng xong thì lên cơn đau bụng đẻ", anh Khánh kể.

    Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã mổ lấy thai. 3 em bé Ngô 2 kg, Khoai 2 kg và Sắn 1,8 kg khóc chào đời, mọi người trong gia đình đều thở phào nhẹ nhõm vì cả mẹ lẫn các con đều bình an.

    Bác sĩ Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Ngoại, Tiết niệu và Nam học, Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, người trực tiếp vi phẫu tìm tinh trùng trong tinh hoàn cho vợ chồng anh Khánh để làm thụ tinh ống nghiệm, cho biết, nhiều nam giới khi xét nghiệm phát hiện vô tinh thường bi quan nghĩ rằng mình không thể làm bố. Tuy nhiên, bác sĩ có nhiều cách để tìm tinh trùng cho họ.

    Bệnh nhân không có tinh trùng do tắc ống dẫn tinh, bác sĩ sẽ mổ vi phẫu cắt bỏ đoạn tắc và nối lại ống dẫn tinh, mào tinh. Trường hợp không có tinh trùng do tinh hoàn sản xuất kém, bác sĩ có thể mổ vi phẫu để 'bắt' từng con tinh trùng và tiêm vào bào tương trứng để tạo thành phôi rồi chuyển vào tử cung người phụ nữ.

    Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, Việt Nam hiện có khoảng 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản đối mặt với vấn đề hiếm muộn. Ước tính cả nước có trên một triệu cặp vợ chồng hiếm muộn cần khám và điều trị. So với các nước trên thế giới, chi phí cho một ca hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều, chỉ khoảng 70 triệu đồng. Tuy nhiên so với thu nhập trung bình của người dân Việt Nam thì con số này vẫn là gánh nặng của hầu hết cặp vợ chồng hiếm muộn.

    Ngày 21/8, Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội quyết định hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí cho 10 cặp vợ chồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây là 10 ca mà bệnh viện đã chọn lọc trong 103 hồ sơ gửi về từ khắp cả nước. Họ được viện miễn 100% chi phí, bao gồm chi phí xét nghiệm, kích trứng, chọc trứng, tạo phôi, trữ đông phôi, chuyển phôi... Nếu chuyển phôi lần đầu không được, bệnh viện miễn phí chuyển phôi lần hai cho bệnh nhân.​

    Lê Nga


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Vợ chồng sinh 3 sau 8 năm hiếm muộn

Share This Page