Trả lại gương mặt cho người phụ nữ bị bỏng axit

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Apr 22, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 440)

    Viện Bỏng Quốc gia (Hà Đông, Hà Nội) vừa phẫu thuật thành công toàn bộ gương mặt cho nữ bệnh nhân bị axit hủy hoại. Khuôn mặt được đánh giá thật đến 95%. Đây là ca thứ 3 tái tạo toàn bộ khuôn mặt được thực hiện tại đây.


    Nằm trên giường bệnh, chị Nguyễn Thị Hằng, 49 tuổi, ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) vẫn chưa thể tin những gì bác sĩ vừa làm: lấy một vạt da lưng đắp lên da mặt sẹo lồi lõm của chị, đồng thời lấy da ở chân đắp lên da lưng. Chỉ sau vài ngày phẫu thuật, chị đã có thể nói chuyện, ăn uống được.

    Chị Hằng kể, vào tháng 8 năm ngoái, lúc đó thời tiết rất nóng, chị đi phụ hồ rồi cảm thấy khuôn mặt mồ hôi nhễ nhại, ngứa ngáy khó chịu. Nghi mình dị ứng vôi vữa, chị được bạn cho một lọ thuốc trị ngứa. Chẳng ngờ, chỉ vài phút sau đó mặt chị nóng bừng, toàn bộ phần mặt bôi thuốc (từ mi mắt dưới xuống cằm) bị bỏng nghiêm trọng.

    "Tôi được đưa đi Bệnh viện Da liễu Hải Phòng. Các bác sĩ xác định tôi chỉ bị zona thần kinh thông thường nhưng do không biết đã bôi phải axit làm biến dạng toàn bộ khuôn mặt. Té ra, người bạn đưa cho tôi lọ thuốc tẩy mụn ruồi, chứ không phải thuốc dị ứng", chị Hằng xót xa.

    Chỉ còn có thể trách mình, 8 tháng qua chị Hằng vừa phải chịu đựng nỗi đau đớn, vừa phải làm việc nuôi 4 đứa con, trong đó hai đứa bị thiểu năng trí tuệ. "Sau lần đó, mặt tôi sần sùi, chỗ lồi, chỗ lõm rất đáng sợ. Thế nhưng khổ nhất vẫn là cái ngứa. Đêm đêm, tôi cảm giác như có con gì chui trong da, như có hàng nghìn mũi kim chọc vào mặt nhói đau mà lại ngứa vô cùng", chị kể.

    [​IMG]
    Khuôn mặt chị Hằng trước và sau khi phẫu thuật được 5 ngày. Ảnh: Phan Dương.

    Theo Phó giáo sư Vũ Quang Vinh, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình, Viện Bỏng quốc gia thì nhờ kinh nghiệm từ những lần trước nên lần này các bác sĩ đã linh hoạt hơn trong việc dựa trên bản đồ nhánh xuyên vùng lưng và vị trí mạch nhận để thiết kế hai vùng cấp máu riêng biệt từng bên mặt và ráp nối mạch máu cho chính xác về độ dài cũng như đường kính. Vạt da cũng được làm mỏng rất nhiều cho phù hợp với khuôn mặt trước khi bị bỏng của chị Hằng.

    Nếu như trước đây, với trường hợp cậu bé Dũng, tỷ lệ thật của khuôn mặt đạt 85%, trường hợp chị Thanh đạt 80% thì đến trường hợp này, khuôn mặt sau khi cấy ghép đạt gần như hoàn hảo, giống tới 95% khuôn mặt ban đầu của bệnh nhân, dù chị bị bỏng axit độ nặng.

    Thời gian tiến hành ca mổ cũng được rút ngắn còn 9 tiếng so với 12 tiếng như hai ca trước kia. Thành công này đã được các chuyên gia hàng đầu ở Nhật Bản đã khẳng định đây là một ca mổ "đáng kinh ngạc".

    Phó giáo sư Vũ Quang Vinh cho biết, ưu điểm của công nghệ tái tạo khuôn mặt bằng vạt da tự thân là bệnh nhân sẽ có khuôn mặt gần như thật, có thể tồn tại vĩnh viễn mà không sợ mắc bệnh do tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch.

    Với trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị Hằng, công nghệ được đẩy lên tầm cao mới. Đó là vạt da được lấy mỏng hơn. Sau phẫu thuật, mặt bệnh nhân sẽ không bị phì đại, nhiều khả năng sẽ không phải hút mỡ so với những trường hợp trước.

    Thêm vào đó, những trường hợp trước còn phải rất khó khăn để tìm được từ hai đến ba nguồn cấp máu để tái tạo cùng lúc toàn bộ khuôn mặt thì đến trường hợp này các bác sĩ đã vẽ được sơ đồ mạch máu. Kỹ thuật tiến hành trong ca mổ linh hoạt hơn rất nhiều.

    "Viện Bỏng đã tái tạo thành công toàn bộ khuôn mặt cho 3 bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân đều khẳng định một bước tiến mới, công nghệ linh hoạt hơn. Sau trường hợp này, chúng tôi tự tin làm những ca khó hơn nữa", phó giáo sư Vũ Quang Vinh cho biết.

    Trước đây, trên thế giới từng kết luận không có bộ phận nào trên cơ thể người đủ để ghép mặt và do vậy hiện nay ở một số nước phương tây vẫn áp dụng công nghệ ghép mặt đồng loại (lấy da người chết để ghép cho người bị hỏng khuôn mặt). Tuy nhiên, công nghệ này có rất nhiều biến chứng.

    Việc sử dụng các mô của người khác để ghép vào một bệnh nhân có thể khiến hệ miễn dịch đào thải, đồng thời tăng nguy cơ nhiễm trùng, thậm chí là ung thư và rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác. Bệnh nhân không thể chung sống với khuôn mặt này cả đời.

    Thêm vào đó, rất khó tìm được một gương mặt người chết phù hợp để thay thế cho bệnh nhân. Người được cấy ghép cũng có thể bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề sau phẫu thuật do không được sống đúng với khuôn mặt mình.

    Phan Dương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Trả lại gương mặt cho người phụ nữ bị bỏng axit

Share This Page