20 y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM trải qua 8 giờ mổ cứu bé gái sơ sinh dị tật tim. Chiều 20/8, người mẹ 26 tuổi quê Long An cười rạng rỡ ẵm bé gái đầu lòng đang hồi phục khoẻ mạnh sau mổ tim tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Bé gái từng đứng trước tiên lượng chỉ khoảng 50%. Bác sĩ Đỗ Thị Cẩm Giang, Khoa Tim mạch, cho biết thai phụ đến đăng ký siêu âm tim thai và tham vấn lúc mang thai 24 tuần, sau khi bác sĩ sản khoa chẩn đoán thai nhi có dị tật tim. Thai phụ được vạch rõ lộ trình điều trị phối hợp sản - nhi, theo dõi kỹ tim thai em bé. 20h tối 6/8, bé gái chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ lúc thai 40 tuần với cân nặng gần 3,2 kg. Vừa lọt lòng mẹ bé đã bắt đầu tím dần. Với sự chuẩn bị từ trước, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có mặt hỗ trợ hô hấp, đặt nội khí quản, thở máy, siêu âm tim đánh giá cấu trúc giải phẫu và truyền thuốc duy trì ống động mạch. Bé gái trong vòng tay mẹ chiều 20/8. Ảnh: Lê Phương. Sáng hôm sau, bé càng tím, sốc, toan chuyển hóa. Kíp tim mạch hội chẩn ngay và quyết định làm thông tim mở vách liên nhĩ cấp cứu. Do vách liên nhĩ rất dày, cuộc can thiệp chỉ giúp bé vượt qua cơn nguy kịch chứ không thể điều trị triệt để. Ngày 8/8, bé tạm ổn nhưng phải dùng thuốc vận mạch rất cao, nhịp tim rất nhanh và khó có thể duy trì tình trạng này kéo dài, nguy cơ rơi vào tình trạng sốc tim lần thứ hai. Bé được quyết định sẽ mổ ngay trong ngày. Bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tim, cho biết cuộc mổ bắt đầu khoảng 14h và kết thúc lúc 22h đêm. "Ê kíp y bác sĩ gần 20 người hủy mọi hoạt động buổi chiều để chung tay phẫu thuật đến khuya, giúp trái tim nhỏ bé được chuyển gốc hai đại động mạch về vị trí bình thường", bác sĩ Tuấn nói. Sau 11 ngày nằm hồi sức, bé ổn định và chuẩn bị xuất viện. Chuyển vị đại động mạch là bệnh lý hai gốc động mạch nối ngược bên nhau, hoán đổi vị trí của nhau. Bình thường động mạch phổi đưa máu đen từ thất phải lên phổi để lấy oxy, giúp máu đen biến thành máu đỏ, máu đỏ về tim trái và qua động mạch chủ đi nuôi cơ thể. Sau sinh, khi nguồn oxy do máu mẹ cung cấp bị cắt, bé phải tự thở, toàn thân bé sẽ tím vì được nuôi bằng máu đen chứ không phải máu đỏ như bình thường. Đây là bệnh tim bẩm sinh cần phối hợp sản nhi, truyền thuốc ngay sau sinh để mở ống động mạch, thông tim để mở vách liên nhĩ, mổ tim để chuyển hại đại động mạch về vị trí bình thường. Mỗi năm Bệnh viện Nhi Đồng 1 có khoảng 20-30 bệnh nhi mắc bệnh lý này và có khoảng hơn 100 ca đã mổ với kết quả tốt. Hầu hết bệnh nhi đến viện trong tình trạng tím nặng do không được chẩn đoán tiền sản. "Nếu không được chẩn đoán phát hiện sớm trong thai kỳ, bác sĩ sẽ khó chủ động xử trí khi trẻ chào đời, dễ khiến trẻ rơi vào nguy hiểm", bác sĩ Tuấn chia sẻ. Lê Phương Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress