"Là đơn vị phát triển những nền tảng học tiếng Anh trực tuyến, Topica rất quan tâm đến sản phẩm có hàm lượng trí tuệ nhân tạo cao. Đó là lý do chúng tôi đồng tham gia tổ chức và hỗ trợ về nhiều mặt cho các đội thi Hackathon", Tiễn sĩ Phạm Minh Tuấn chia sẻ trong sự kiện Ngày hội trí tuệ nhân tạo (AI4VN) ngày 16/8, tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn, CEO Topica Edtech Group. Cụ thể, Topica sẽ cung cấp mentor (cố vấn), giúp startup xây dựng kết hoạch phát triển đội ngũ nhân sự, công nghệ giống như thành viên trong vườn ươm Topica Founder Institute. Sau quá trình thử nghiệm cho kết quả tốt, dự án có thể gọi vốn từ những quỹ đầu tư hàng đầu châu Á. Với hai startup học tiếng Anh tại vòng chung kết Hackthon chiều ngày 16/8, Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn cho rằng hoàn toàn có thể phát triển thành công trong tương lai. "Như dự án chấm điểm bài thi IELTS trên thị trường chưa có. Không chỉ có ích với người học, dự án còn đem lại hiệu quả trong đào tạo và cấp chứng chỉ", CEO Topica nói. Theo đánh giá của hội đồng chuyên môn Hackathon Vietnam AI Grand Challenge 2019, các startup dự thi đều lựa chọn những lĩnh vực có tính ứng dụng cao. Phổ biến trong số đó là giải quyết hành vi khách hàng và giáo dục. Hackathon 2019 chứng kiến độ tuổi dự thi của các cá nhân ngày càng trẻ hơn. Hơn một nửa số đội thi là sinh viên những trường đại học như Bách Khoa, Duy Tân. Hội đồng ban giám khảo nhận định trí tuệ nhân tạo đã lan toả mạnh mẽ trong môi trường giáo dục chứ không chỉ còn bó gọn ở các doanh nghiệp lớn, viện nghiên cứu. Bên cạnh đó, các sản phẩm cũng đi vào giải quyết các bài toán thực tế, cần thiết trong xã hội hiện đại. MLAE - chấm điểm bài thi IELTS Startup MLAE được phát triển bởi 5 sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Qua công nghệ trí thông minh nhân tạo, dự án hỗ trợ người học tiếng Anh phát hiện và sửa lỗi trực tiếp trong bài thi. Sản phẩm còn đưa gợi ý bổ sung từ để nâng cao hiệu quả học tập. Quá trình thử nghiệm, MLAE cho độ chính xác lên đến 60%. Đại diện nhóm, Lưu Hải Long cho biết, lý do xây dựng MLAE xuất phát từ chính yêu cầu học tiếng Anh của các thành viên. "Trong vòng một tuần, chúng em tập hợp các báo cáo, nghiên cứu thị trường. Dự án mất 2 ngày để hoàn thiện", Hải Long nói. MLAE giành giải 3, nhận giải thưởng 500 USD từ Topica. Theo tính toán của nhóm, sử dụng MLAE, người học có thể rút ngắn đi 20% thời gian so với cách học truyền thống là đợi giáo viên chữa bài. AI ứng dụng trong sản phẩm có khả năng phát hiện lỗi sai, đồng thời trả lời ngay lập tức. Tương lai, dự án sẽ đi đi theo hướng phát triển hoàn thiện 3 kỹ năng chữa bài thi IELTS còn lại là nói, nghe, đọc. "Chúng em mong muốn thu hút người dùng miễn phí, sau đó mới tính đến khả năng thương mại", Hải Long cho biết thêm. MLAE giành giải 3 chung cuộc tại Hackathon Vietnam AI Grand Challenge 2019 trị giá 500 USD do Topica trao tặng. YoungGRD - học tiếng anh qua tin tức Cũng như MLAE, YoungGRD tập trung giải quyết vấn đề học ngoại ngữ nhờ tận dụng nguồn tin tức tiếng Anh đa dạng trên báo chí. Ưu điểm lớn nhất của sản phẩm là kho nội dung lớn. Bên cạnh đó, yếu tố công nghệ cũng được nhóm phát triển giúp phân tích ngôn ngữ thông minh, cho độ chính xác và tốc độ xử lý nhanh. "Lý do nhóm chọn AI trong lĩnh vực giáo dục vì khả năng ứng dụng của công nghệ này cao. Hiện nay nhu cầu học tập của sinh viên lớn nhưng thiếu những sản phẩm như YoungGRD", Phan Ngọc Lân, trưởng nhóm YoungGRD chia sẻ. YoungGRD là dự án giành giải nhất theo bình chọn từ Kambria, nhóm nhận 10.000 USD tiền thưởng. Nhóm đã lên kế hoạch hoàn thiện dự án trong một năm, đồng thời cho dùng thử miễn phí trước khi thương mại hoá. YoungGRD cũng là chủ nhân của giải thưởng 10.000 USD của Kambria. Thành Dương Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress