Sáng 16/8, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị cơ sở y tế không sử dụng mũ trùm đầu, bọc giày, túi đựng thuốc... bằng nilon khó phân hủy. Tại hội nghị trực tuyến triển khai giảm chất thải nhựa trong ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết cả nước có hơn 13.000 cơ sở y tế, mỗi năm điều trị hơn 150 triệu lượt bệnh nhân và trên 300 triệu lượt người khám ngoại trú. Khi vào bệnh viện, bệnh nhân thường đi kèm theo 1-2 người nhà nên lượng rác thải rất lớn. Khoảng 5% số chất thải y tế là chất thải nhựa, ước 22 tấn một ngày. "Đa số chất thải nhựa là túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân", Bộ trưởng Y tế nói. Theo Bộ trưởng Tiến, ô nhiễm chất thải nhựa ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường, sinh thái và sức khỏe con người. Ước tính có hơn 700 loài sinh vật trên thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực do ô nhiễm chất thải nhựa. Thống kê của Ủy ban châu Âu, đế năm 2018, khoảng 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, trong đó 6,3 tỷ tấn trở thành rác thải, 5 tỷ tấn tích lũy ngoài môi trường hoặc được chôn lấp. Hàng năm, khoảng 4,8-12,7 triệu tấn chất thải nhựa được xả thải vào đại dương. Bộ trưởng yêu cầu từ nay ngành y tế không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, thay thế bằng vận dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng. Nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh không sử dụng mũ trùm đầu, bọc giày, túi đựng thuốc, túi đựng chất thải làm bằng nilon khó phân hủy. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế thay thế chai nước nhựa dùng một lần bằng chai thủy tinh trong các cuộc họp. Ảnh: Thu Lan. Một số bệnh viện hiện chủ động giảm đồ dùng bằng nhựa. Bệnh viện Trung ương Huế đưa ra 3 nguyên tắc: Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế, viết tắt: 3R = Reduce – Reuse – Recycle, để cán bộ nhân viên, bệnh nhân, người nhà cùng thực hiện. Trong các cuộc họp, bệnh viện sử dụng bình nước thủy tinh thay cho chai nước bằng nhựa. Các cơ sở y tế tỉnh Bình Định 4 tháng đầu năm đã thu gom xử lý hơn 73 tấn chất thải nguy hại, 6,5 tấn chất thải nhựa có thể tái chế. Nhờ tái chế, tái sử dụng túi nilon, các bệnh viện ở Bình Định đã giảm được 10.000 túi nilon dung tích 15 lít thải ra môi trường. Lê Nga Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress