Các công ty có thể tự đảm trách việc nghiên cứu, thiết kế, sản xuất đến thương mại hóa một chiếc smartphone, hoặc thuê bên thứ ba làm điều đó. Để cho ra một chiếc smartphone, hầu hết nhà sản xuất hiện nay không kiêm nhiệm toàn bộ quy trình. Thay vào đó, họ thuê đối tác đảm nhận một số công đoạn riêng, tùy theo nhu cầu thực tế nhằm rút ngắn lộ trình ra mắt sản phẩm hoặc tiết kiệm chi phí. Bên trong một công xưởng lắp ráp iPhone của Foxconn. OEM (Original Equipment Manufacturing - nhà sản xuất thiết bị gốc) là khái niệm phổ biến trong ngành công nghiệp chế tạo điện thoại. Đây là mô hình đóng vai trò sản xuất thuần túy, được dùng để chỉ những công ty, công xưởng tạo ra sản phẩm theo thiết kế, thông số kỹ thuật được đặt trước. Hình thức này thường áp dụng cho doanh nghiệp đã có bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D). OEM chỉ nhận hợp đồng từ đối tác, làm theo y hệt và không được thay đổi dù là chi tiết nhỏ nhất. Chẳng hạn, Foxconn là OEM của Apple. Công ty Trung Quốc chịu trách nhiệm sản xuất, lắp ráp iPhone do hãng điện tử Mỹ làm chủ về thiết kế, cấu hình, tính năng... không được phép tinh chỉnh bên trong. Bên cạnh Foxconn, Apple cũng thuê những đối tác khác trong chuỗi cung ứng mặt bằng, nhà máy, vận hành nhà máy, triển khai thiết bị sản xuất, thiết bị kiểm thử, đào tạo nhân công... và cử người giám sát các công đoạn này. Điều đó giúp công ty iPhone giảm thiểu được rất nhiều chi phí, đồng thời tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp như Apple cũng thuê ECM (Electronic Manufacturing Service - nhà sản xuất hợp đồng điện tử). Về cơ bản, ECM cũng tương tự OEM về mặt chức năng, hoặc cung cấp đến OEM các linh kiện để lắp ráp sản phẩm cho đối tác, trong ví dụ là Apple. Tuy nhiên, nếu mảng R&D chưa hoàn thiện, chỉ có thể đảm nhận một phần công việc, công ty đó có thể bắt tay với IDH (Independent Design House - nhà thiết kế độc lập) trợ giúp họ trong quá trình tạo hình hài sản phẩm ban đầu, chẳng hạn kiểu dáng, khung cơ khí, bảng mạch bên trong... Về cơ bản, IDH đóng vai trò là công ty thiết kế chuyên nghiệp, có kinh nghiệm lâu năm ở mảng này. Tùy vào hợp đồng thỏa thuận, nhiều doanh nghiệp có thể bắt tay với IDH để sử dụng chung thiết kế nhằm tiết kiệm chi phí. Lúc này, họ sẽ cùng có bản quyền kiểu dáng sản phẩm, do phía IDH thực hiện. Đây chính là lý do vì sao có trường hợp hai smartphone có thể có kiểu dáng giống nhau, nhưng mang thương hiệu khác nhau. Bo mạch của điện thoại Meizu 16XS (trái) và Vsmart Live (phải) có thiết kế tương tự nhau. Thực tế, IDH đóng vai trò hết sức quan trọng trong ngành công nghiệp smartphone. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ, những tên tuổi như Samsung, Huawei hay Xiaomi dựa vào IDH khá nhiều, nhằm "đốt cháy" thời gian phát triển sản phẩm và tăng số lượng thiết bị cần ra mắt. Theo thống kê của Phòng Thương mại trực tiếp Trung Quốc (DCCC) năm 2016, 50% thiết bị cầm tay tiêu thụ tại nước này được thiết kế bởi IDH và tỷ lệ đó đang tăng mạnh. Tuy nhiên, nếu một công ty chỉ có bộ phận kinh doanh và muốn có sản phẩm "ăn liền" để bán ngay, họ sẽ tìm đến ODM (Original Design Manufacturer - sản xuất thiết kế gốc). Về cơ bản, ODM sẽ đóng vai trò nghiên cứu, thiết kế và sản xuất nhưng không bán thiết bị dưới thương hiệu của mình. Họ sẽ lên danh sách các sản phẩm mẫu, sau đó cho khách hàng lựa chọn, tùy chỉnh nhẹ và đóng logo để đưa ra thị trường. Như vậy, nếu làm việc với ODM, bất kỳ ai cũng có thể thành lập công ty smartphone riêng bằng cách thiết kế logo, tùy chỉnh kiểu dáng thiết bị sao cho vừa ý, đăng ký tên thương hiệu và cuối cùng bán sản phẩm ra thị trường. Thành công hoặc thất bại sẽ đến từ việc marketing đúng hướng hay sai hướng. Tất nhiên, quyền sở hữu sản phẩm, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế... đều thuộc về ODM, doanh nghiệp mua sản phẩm chỉ nắm quyền sở hữu thương mại. ODM nổi tiếng nhất có thể kể đến là Wingtech (Hong Kong) với 25% thị phần toàn cầu (riêng mảng IDH chiếm tới 50%). Công ty hiện sản xuất hàng loạt mẫu điện thoại cho Samsung như Galaxy A6, dòng Redmi của Xiaomi, Oppo A3s hay Huawei Y6... Nếu được tạo ra ở nước ngoài, các thiết bị dạng này có thể về Việt Nam theo hình thức CBU (Completely Build-up - nhập khẩu nguyên chiếc). Điện thoại là loại hàng hóa chịu thuế nhập khẩu 0%, tức là dù sản xuất trong nước hay nhập khẩu, giá trị sản phẩm cũng không thay đổi. Tuy nhiên, một số mặt hàng điện tử khác, chẳng hạn TV, có thuế nhập khẩu nguyên chiếc cao hơn so với khi nhập linh kiện riêng rẽ về lắp ráp (SKD). Như vậy, việc tạo ra một chiếc smartphone không đơn thuần là đảm nhiệm tất cả mọi quá trình. Thay vào đó, doanh nghiệp có thể đưa ra chiến lược riêng, chẳng hạn nghiên cứu và phát triển rồi thuê gia công để tiết kiệm chi phí, hoặc đặt hàng sản xuất thiết bị và bán ra dưới thương hiệu riêng. Bảo Lâm tổng hợp Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ