Bộ Thông tin và Truyền thông đang yêu cầu Facebook phải triển khai định danh tài khoản, trước mắt áp dụng tại Hà Nội và TP HCM. Trong báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu tình trạng Facebook không đồng ý gỡ các bài viết, nội dung theo yêu cầu của Việt Nam vì cho rằng không vi phạm chính sách cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, Bộ đề nghị Facebook triển khai định danh tài khoản và chỉ các tài khoản định danh mới được phép phát sóng trực tiếp (livestream). Ngoài ra, mạng xã hội này cũng cần có chính sách tiền kiểm và gỡ các quảng cáo phát tán tin giả liên quan đến các vấn đề chính trị khi có yêu cầu từ chính phủ. Bộ cũng yêu cầu Facebook cấp nhanh xác thực (dấu tick xanh) cho các fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có nguyện vọng, cũng như chỉ cho phép lập fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước khi có sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc sự xác nhận của chính cơ quan, tổ chức đó. Facebook sẽ phải triển khai định danh tài khoản người sử dụng tại Việt Nam. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, lợi nhuận từ thị trường Việt Nam đem lại cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tiếp tục tăng, trong đó không ít nguồn tiền từ Việt Nam chi trả cho các dịch vụ bất hợp pháp như đặt quảng cáo của các thương hiệu Việt Nam gắn trên các video xấu độc hoặc video quảng cáo tự động có nội dung vi phạm, phản cảm gắn trên các website, báo điện tử. Để xử lý vấn đề phát tán thông tin sai sự thật (fake news), hạn chế tình trạng giả mạo fanpage, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án chặn dòng tiền giao dịch vi phạm pháp luật giữa người dùng Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google. Trước đó, hồi tháng 6, đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, trong hai năm qua, Google đã hợp tác và gỡ bỏ gần 8.000 clip xấu độc theo yêu cầu. Tỷ lệ đáp ứng của Google trong 6 tháng đầu năm lên đến 95%. Tuy nhiên, do cơ chế quản lý nội dung còn bất cập, việc ngăn chặn gỡ bỏ này như "bắt cóc bỏ đĩa", dẫn đến tình trạng vẫn còn tồn tại tới 55.000 video độc hại trên YouTube. Ngoài ra, Google đã gỡ 58 trong số 63 trò chơi, Apple gỡ 9 trong số 15 trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng Google Play và AppStore. Facebook xóa 208 trong số 211 tài khoản giả mạo, hơn 2.400 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hơn 200 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, gỡ 215 fanpage quảng cáo game cờ bạc. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia vào hoạt động. Mỗi ngày, trung tâm giám sát được khoảng 100 triệu thông tin tiếng Việt công khai trên mạng. Theo dự thảo Báo cáo Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu của ITU ngày 27/3, Việt Nam xếp thứ 50 trên tổng số 175 hạng của 194 quốc gia, vùng lãnh thổ, cải thiện từ mức 100 của năm 2017. Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 11/38 còn ở khu vực Đông Nam Á là thứ 5/11, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Hoàng Thùy Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ