Các nhà khoa học Australia vừa phát hiện ra rằng các đợt nóng dưới biển tác động tới các rạn san hô nhiều hơn những gì con người từng biết. Trong nghiên cứu mới công bố ngày 9/8, các nhà khoa học Australia cho biết các rạn san hô không chỉ bị tác động bởi tình trạng tẩy trắng mà nhiệt độ nước cao hơn cũng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. San hô tại biển Đỏ, ngày 5/9/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN). Nghiên cứu do các nhà khoa học đến từ Đại học New South Wales (UNSW), Đại học Newcastle, Đại học Công nghệ Sydney, Đại học James Cook và Viện Hải dương và Khí tượng học quốc gia Mỹ (NOAA) phối hợp thực hiện và công bố trên tạp chí Current Biology. Nghiên cứu chỉ ra rằng trong khi lâu nay con người vẫn nghĩ rằng tình trạng tẩy trắng san hô có thể khiến cơ chế cộng sinh tại các rạn san hô bị phá hủy, nhưng các đợt nóng dưới lòng đại dương cũng khiến các sinh vật trong các rạn san hô chết vì nóng. Cho tới nay, khoa học mới chỉ hiểu rằng tình trạng tẩy trắng san hô là khi mối quan hệ cộng sinh giữa các san hô và vi khuẩn bị phá vỡ và khiến các loại san hô mất đi những nguồn dinh dưỡng chính và chết dần nếu mối quan hệ này không được khôi phục. Nhưng nghiên cứu mới chỉ ra một khía cạnh khác. Các đợt nóng dưới lòng đại dương có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn cả tình trạng tẩy trắng san hô. Khi đó, nhiệt độ nước quá ấm, các sinh vật chết đi và phần xương của những sinh vật này sau đó cũng bị các loại vi khuẩn và tảo phát triển mạnh trong điều kiện nóng, tàn phá. Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện mới sẽ góp phần nâng cao nhận thức về mối đe dọa với các rạn san hô trên thế giới và nỗ lực để bảo vệ những kỳ quan tự nhiên quan trọng này. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV