Các nhà nghiên cứu phát hiện rừng thông đất hóa thạch rộng bằng 35 sân bóng đá, sinh trưởng cách đây 359 - 419 triệu năm ở tỉnh An Huy. Phát hiện về khu rừng hóa thạch lâu đời nhất ở châu Á được công bố trên tạp chí Current Biology hôm 8/8. Khu rừng ra đời ở kỷ Devon, rộng 250.000m2 (tương đương 35 sân bóng đá) và nằm trong mỏ đất sét gần thị trấn An Hàng. Mặt cắt một gốc cây trong khu rừng hóa thạch. (Ảnh: PA). Những cây thông đất trong khu rừng hóa thạch rất giống cây cọ và mọc trong môi trường ven biển dễ ngập lụt. Các cây thường cao chưa đến 3,2 mét, cây cao nhất theo ước tính là 7,7 mét. Thông đất khổng lồ phát triển ở thời kỳ sau kỷ Devon, phần lớn trở thành than đá mà con người khai thác ngày nay. Khu rừng ở An Hàng có hệ rễ phát triển sớm, giúp cây mọc cao ở kỷ Than Đá. Mẫu vật hóa thạch từ khu rừng giúp nhóm nghiên cứu hiểu sâu hơn về sự suy giảm carbon dioxide trong khí quyển và quá trình củng cố đất ven biển ở thời kỳ đó. Rừng hóa thạch từ kỷ Devon cũng được tìm thấy ở Mỹ và Na Uy. "Mật độ cao và kích thước nhỏ của cây có thể khiến khu rừng ở An Hàng trông rất giống cánh đồng mía, dù các cây phân bố theo từng khoảng. Khu rừng thông đất này cũng giống rừng đước ven biển do có cùng môi trường và giữ vai trò tương tự nhau trong hệ sinh thái", Wang Deming, giáo sư Khoa học Trái Đất và Vũ trụ ở Đại học Bắc Kinh, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết. Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV