Một nhóm hacker Việt Nam đã đánh cắp những tài khoản Facebook nhiều "follow" của người Philippines, sau đó bán lại, khiến cộng đồng hacker nước này phẫn nộ. Sự việc bắt đầu từ cuối tháng 7 vừa qua, khi một hacker người Philippines phát hiện có rất nhiều tài khoản Facebook của người Philippines đang bị rao bán trong một nhóm người Việt với giá vài chục nghìn đồng. Anh nhanh chóng đăng thông báo về sự việc lên fanpage có tên "Philippine Cyber Eagles", đồng thời hướng dẫn mọi người cách bảo vệ tài khoản Facebook trước mối đe dọa từ những "tricker" (người biết thủ thuật Internet) tại Việt Nam. Các tài khoản Facebook sau khi bị chiếm đoạt, được bán công khai với giá vài chục nghìn đồng. Thông tin sau đó được chia sẻ lại trong một nhóm những người có tầm ảnh hưởng trong làng công nghệ Philippines và nhanh chóng kích động các hacker nước này. Vào ngày 6/8, nhóm hacker có tên Filtech Hackers Philippines đã tấn công một loạt website Việt Nam có tên miền .vn, trong đó, phần lớn là các website của các đơn vị kinh doanh. Trang web của Cục Hải quan Đồng Nai với tên miền .gov.vn cũng bị ảnh hưởng. Theo anh Trần Tuyên, một chuyên gia về an ninh mạng, nạn nhân của các vụ tấn công trên hầu hết là website bảo mật kém. Chủ website có thể xử lý nhanh bằng cách khôi phục lại dữ liệu trước đó nếu có bản backup, sau đó rà soát lại các lỗ hổng. Tuy nhiên, gốc rễ vấn đề nằm ở việc các "tricker" người Việt đã chiếm đoạt tài khoản Facebook của người Philippines khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị liên lụy. Giao diện một website tên miền .vn bị hacker Philippines can thiệp. "Tricker" trên Facebook là những người nắm được lỗi của Facebook và lợi dụng chúng vào mục đích cá nhân. Cộng đồng "tricker" tại Việt Nam có hàng nghìn thành viên, hầu hết đều trẻ tuổi. Bên cạnh việc hỗ trợ lấy lại tài khoản cho người dùng bị mất nick, nhiều thành viên còn chuyên dùng thủ thuật để chiếm đoạt tài khoản của người khác và bán lại để trục lợi. Việc mua bán tài khoản Facebook bị ăn cắp diễn ra ngang nhiên, không gặp bất kỳ trở ngại nào từ chính Facebook. Các tài khoản Philippines bị rao bán trong câu chuyện trên đều là các tài khoản lâu năm, được lập từ chục năm trước, có lượng người theo dõi lớn. Facebook coi đây là các tài khoản uy tín và có những ưu tiên nhất định, vì vậy, chúng được dân bán hàng online mua nhiều. Ngoài ra, các tài khoản này thường được tạo bằng email Yahoo hoặc Hot Mail, tiềm ẩn nhiều lỗ hổng dễ bị các "tricker" khai thác. Sau khi chiếm đoạt, các "tricker" đổi tên, thay đổi thông tin đăng nhập và bán lại với giá từ 10.000 đồng. Trên Facebook cá nhân mang tên Art Samaniego, một nhà báo công nghệ nổi tiếng tại Philippines, cho biết một số hacker nước này đang tìm cách kết nối với các hacker có tiếng nói tại Việt Nam để giải quyết sự việc. Lưu Quý Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ