Là một con người, bạn được dạy cần phải làm gì mỗi sáng thức dậy? Tập thể dục! Đúng vậy, tập thể dục là cách để khắc phục tỷ lệ tử vong cao ở loài chúng ta, liên quan đến đủ thứ bệnh bao gồm béo phì, tiểu đường, tim mạch cho đến ung thư... Chúng ta biết tập thể dục sẽ giúp mình khỏe mạnh hơn. Nhưng sự thật, cái nghi lễ tập thể dục buổi sáng dường như chỉ có ở con người. Các loài động vật, suy cho cùng, cũng có thể giống với chúng ta. Liệu chúng có cần phải tập thể dục? Gizmodo đã hỏi một số các chuyên gia về hành vi động vật, và dưới đây là câu trả lời của họ dành cho bạn: Có những bằng chứng cho thấy động vật tập thể dục để cảm thấy thoải mái. Lindsay Mehrkam Phó giáo sư Tâm lý học tại Đại học Monmouth, điều tra viên dự án Sức khỏe Con người-động vật Nếu chúng ta định nghĩa tập thể dục là tham gia các hoạt động thể chất để cải thiện thể lực thì câu trả lời là "có", động vật chắc chắn có tập thể dục. Một số loài động vật luôn có những hành vi, tập tính điển hình của loài được coi là tập thể dục. Chúng làm vậy để chứng minh sức mạnh và tiềm năng sinh sản với bạn tình. Nghiên cứu còn cho thấy một số động vật còn điều chỉnh chế độ ăn uống của chúng. Nói một cách khác, không chỉ biết tập thể dục, chúng còn biết ăn kiêng. Nhưng liệu khi tập thể dục, những con vật có những mục đích cụ thể khác hay không? Chẳng hạn như chúng có tập rượt trước cho những tình huống cần chạy trốn hoặc tập rượt để khoe cơ thể với bạn tình? Rất khó để trả lời. Nhưng có những bằng chứng cho thấy động vật tập thể dục để cảm thấy thoải mái. Điều này đặc biệt đúng với môi trường nuôi nhốt trong sở thú. Bạn thường thấy những con vật trong sở thú đi đi lại lại trong chuồng của chúng. Càng các loài động vật có không gian hoạt động rộng lớn ngoài hoang dã (ví dụ như hổ, gấu và sói), khi bị nhốt trong một không gian chật hẹp, chúng sẽ càng đi lại nhiều. Điều này giúp chúng làm hai điều, một là giải tỏa những căng thẳng, buồn chán khi bị giam cầm, hai là đảm bảo cơ thể chúng vẫn hoạt động. Với những mục đích này, đúng là những con vật tập thể dục là có chủ ý chứ không phải là bản năng đơn thuần. Bạn thường thấy những con vật trong sở thú đi đi lại lại trong chuồng của chúng? Chúng đang tập thể dục? Sergio da Giáo sư Khoa học thần kinh tại Đại học Lethbridge Để trả lời câu hỏi, hãy xem xét một con chuột bị nhốt trong lồng. Nó được cung cấp đầy đủ thức ăn và nước uống, tất cả đều có sẵn cho nó. Con chuột có thể ngồi một chỗ, ăn hoặc uống khi nó muốn. Nhưng nếu bạn đặt một bánh xe vào chiếc lồng, con chuột sẽ chạy không ngừng nghỉ trong suốt hàng giờ liền. Điều này cho thấy những con chuột đang cần duy trì sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của nó qua hoạt động chạy thể dục. Trong lồng nhốt, khi không thể đạt được mức vận động như đời sống bên ngoài tự nhiên, những con vật có xu hướng tập thể dục để bù đắp lại. Và ngay cả trong tự nhiên, nhiều loài động vật cũng có thể tham gia vào các hoạt động duy trì năng lực của chúng, chẳng hạn như thực hành kỹ năng săn mồi hoặc tìm kiếm thức ăn. Ví dụ, loài khỉ đuôi dài hay được quan sát với hành động cầm những viên đá và gõ xuống đất. Chúng làm vậy để tập trước cho các tình huống cần đập vỡ thứ gì đó để lấy thức ăn, ví dụ như tách vỏ hạt cứng. Ngoài ra, việc sử dụng những viên đá cũng có thể khiến những con khỉ giảm căng thẳng trong một số trường hợp. Nếu bạn đặt một bánh xe vào chiếc lồng, con chuột sẽ chạy không ngừng nghỉ trong suốt hàng giờ liền. Daniel T. Blumstein Giáo sư Sinh thái học và Sinh học tiến hóa tại Đại học California Nhiều loài động vật thường có hành vi chơi đùa, và chơi đùa cũng là một hình thức tập thể dục giúp cải thiện cả cơ bắp và tinh thần cho chúng. Nếu bạn đã từng đến một công viên ở đó có những con chó, bạn biết lũ chó chơi đùa rất nhiều. Các loài động vật hoang dã khác cũng vậy. Đối với động vật ăn thịt, chơi đùa cung cấp các bài học thực hành cần thiết cho các buổi săn mồi. Ngược lại, con mồi chơi đùa cũng là một cách tập rượt để trốn thoát những kẻ đi săn chúng. James Hanken Giáo sư Động vật học tại Đại học Harvard Ví dụ tốt nhất mà tôi biết về hiện tượng này là những con chim non và động vật có vú. Chúng dường như không tập thể dục để có được vóc dáng tốt, nhưng sẽ tập để phát triển và trau dồi những kỹ năng phức tạp có ý nghĩa sinh tồn. Chẳng hạn những con chim non tập bay. Ban đầu chúng rất vụng về, nhưng qua từng buổi tập, những con chim đều thể hiện kỹ năng tốt hơn cho đến khi chúng bay thành thạo. Điều tương tự cũng được quan sát thấy ở những con thú ăn thịt chưa trưởng thành, ví dụ như sư tử con. Mặc dù chúng được bố mẹ nuôi và cho ăn, nhưng những con sư tử vẫn cần tập săn mồi để chuẩn bị trước cho cuộc sống tự lập sau này. Những con chim non tập bay cũng giống như những con sư tử con phải tập săn mồi. Fred Harington Nhà sinh thái học hành vi tại Đại học St. Vincent Chọn lọc tự nhiên đã định hình cơ thể, sinh lý và hành vi của các loài động vật, cả những gì chúng phải làm trong cuộc sống của mình bao gồm săn mồi, chạy trốn, cạnh tranh bạn tình và bảo vệ những con non... Một con sói có thể phải di chuyển từ 10-20 km mỗi ngày để tìm kiếm thức ăn và đuổi theo con mồi. Với mức độ hoạt động như vậy, chúng đã đủ mỏi mệt để không cần phải tập thể dục để giảm béo hay làm gì cả. Nhưng điều đó không có nghĩa là sói không bao giờ tập luyện. Khi những con sói chơi đùa, chúng thực hiện các động tác rình rập, phục kích, rượt đuổi, vồ vập và vật lộn. Theo một định nghĩa nào đó, chơi đùa có thể được tính là tập luyện để nâng cao kỹ năng chiến đấu và săn bắt. Meredith Lutz Cử nhân Hành vi động vật Đại học California Suốt thời gian nghiên cứu vượn cáo trong môi trường tự nhiên, tôi chưa từng thấy có con nào tập thể dục như con người. Hàng ngày, loài động vật hoang dã này đều dành phần lớn thời gian để cố gắng tìm đủ thức ăn và tránh bị động vật săn mồi ăn thịt. Vì vậy, chúng đâu có nhiều thời gian để tập thể dục như con người. Tuy nhiên, nhưng những con vượn cáo vẫn có các hoạt động rèn luyện các kỹ năng thể chất, tinh thần và cảm xúc của chúng thông qua việc chơi đùa. Giả thuyết là chơi đùa cho phép chúng đạt được những kỹ năng đối phó với tình huống bất ngờ, bên cạnh các tình huống khác như đuổi theo một con mồi, chiến đấu với chúng hoặc một con vật đồng loại khác. Chúng tôi đã tìm thấy sự ủng hộ nhất quán cho giả thuyết này ở nhiều loài linh trưởng từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm khỉ capuchin, khỉ đầu chó hamadryas và vượn cáo sifaka. Trong khi hầu hết hoạt động chơi đùa được quan sát thấy ở động vật còn nhỏ, chúng tôi cũng vẫn thấy nhiều con sifaka tiếp tục chơi đùa khi đã trưởng thành. Khi còn nhỏ, rất nhiều trò chơi của chúng liên quan đến việc chạy nhảy và di chuyển xung quanh. Đó có thể là những hoạt động bao gồm nhiều động tác thể dục kết hợp. Còn trong cuộc sống trưởng thành, hầu hết tất cả các trò chơi của vượn cáo sẽ mang tính xã hội. Tham khảo Gizmodo Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV