Ngực trái của bệnh nhân 30 tuổi ở Lạng Sơn sưng căng như quả bóng, bác sĩ rút ra hơn nửa lít dịch, ngăn nguy cơ vỡ ngực cho cô. Bệnh nhân được đưa vào khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Hà Nội cấp cứu ngày 2/8, chỉ sau hai tuần nâng ngực ở một thẩm mỹ viện. Ngực trái bệnh nhân sưng to, căng tròn như quả bóng với thể tích gấp khoảng 3-4 lần ngực bên phải, chu vi ước trên 50 cm. Ngực phải kích thước bình thường nhưng méo mó và cứng chắc, Phó giáo sư Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Hà Nội, cho biết. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tràn dịch muộn quanh bao túi ngực, hội chẩn phương án mổ cấp cứu rút dịch để giải cứu ngực, tránh nguy cơ bung vỡ vết phẫu thuật trước đó. Bác sĩ Trần Thị Thanh Huyền, thành viên của êkíp mổ, cho biết đầu tiên các bác sĩ cắm một chiếc kim đầu to và xy lanh loại lớn 50 ml vào ngực bệnh nhân để hút dịch ra ngoài nhằm giảm áp ngay cho khoang ngực trước khi phẫu thuật. Lượng dịch hút được vượt quá sức tưởng tượng của các bác sĩ, với hơn 10 xy lanh đầy, tổng cộng 600 ml. Cộng với 300 ml túi ngực và 200 ml ngực tự nhiên có từ trước, tổng thể tích ngực của bệnh nhân trước khi phẫu thuật lên đến trên 1.000 ml (tương đương size áo ngực 44 trong khi size trung bình phụ nữ Việt 32-36). Tiếp đó, các bác sĩ tháo bỏ túi ngực giả và giải phẫu toàn bộ bao xơ xung quanh túi ngực. Quá trình phẫu thuật rất khó khăn vì tổ chức bao xơ rất dày và hiện tượng tăng sinh mạch phản ứng, có những lúc máu phun thành tia qua vết mổ. Tổ chức bao xơ còn xâm lấn vào sát cơ thành ngực và đập theo nhịp đập của tim ở phía dưới. "Kíp mổ vừa phẫu thuật vừa cầm máu, các vị trí nghi ngờ có nguy cơ thành u đều được đánh dấu và gửi giải phẫu sinh thiết tức thì, đến khi kết quả cho thấy không có tế bào ác tính mới thôi", bác sĩ Huyền nói. Các bác sĩ phẫu thuật lấy túi ngực cho bệnh nhân. Ảnh: K.O Sau gần 6 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã tháo bỏ được túi ngực và dịch nhày, lớp bao xơ và bảo tồn phần tuyến vú còn lại cho bệnh nhân. Bác sĩ cũng cắt trữ phần da thừa để chuẩn bị 6 tháng đến một năm sau bệnh nhân phải phẫu thuật đặt lại túi ngực. Sau 5 ngày theo dõi hậu phẫu, bệnh nhân không sốt, đầu ngực không bị hoại tử. Tuy nhiên, bệnh nhân phải chờ kết quả giải phẫu bệnh để xác định có các tế bào bất thường hay không. Phó giáo sư Hồng Hà cho biết tràn dịch muộn sau đặt túi ngực là một biến chứng thẩm mỹ tương đối hiếm gặp trên thế giới. Bệnh viện Việt Đức là tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân từ nơi khác chuyển viện đến nên có khoảng 2 đến 3 ca một năm. Hiện tượng tràn dịch với lượng lớn có thể là dấu hiệu tế bào lạ xuất hiện xung quanh lớp bao túi ngực. Lê Nga Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress