Khí carbon monoxide (CO) tích tụ và nhiệt độ cao trong xe ôtô đóng kín là hai lý do dẫn đến cái chết cho người trong xe. Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ngạt thở và sốc nhiệt khiến một người có thể tử vong khi ở trong ôtô đóng kín, nhất là xe đậu dưới trời nắng. Nhiều trường hợp được cứu sống nhưng bị tổn thương não, chịu di chứng thần kinh suốt đời. Nguy cơ sốc nhiệt xảy ra khi người ở trong xe ô tô đóng kín đậu dưới trời nắng. Thông thường nhiệt độ trong xe cao gần gấp đôi so với nhiệt độ ngoài trời. Xe để dưới trời nắng nóng, như nhiệt độ Hà Nội ngày 6/8 khoảng 35-37 độC, sự chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài xe càng cao, càng làm quá trình ngạt thở, sốc nhiệt diễn ra nhanh hơn. "Khi thân nhiệt lên đến ngưỡng 40 độ C có thể xảy ra tình trạng sốc nhiệt, đến 42 độ C hoặc cao hơn sẽ làm rối loạn các cơ quan dẫn đến tử vong", bác sĩ Chính cho biết. Người ở lâu trong ôtô đóng kín bị thiếu oxy, sốc nhiệt làm tổn thương não bộ, thần kinh, cơ thể không có phản xạ dẫn đến các cơ co cứng, cử động khó khăn. Trong vòng một giờ nếu ở lâu trong xe đóng kín, người trong xe đã có thể bị sốc, mất nước và dịch. Thời gian dẫn đến các tai biến sức khỏe và hệ quả còn tùy vào thể trạng từng người, số lượng người trong xe, chênh lệch nhiệt độ ngoài trời. Càng nhiều người trong xe thì oxy càng mau hết, nhiệt độ càng tăng cao, nguy cơ tử vong nhanh hơn, sau 2-3 giờ hoặc hơn. Tại Mỹ, ngày 28/7 một cặp song sinh một tuổi bị cha bỏ quên trong xe hơi 8 tiếng đồng hồ. Hai đứa trẻ được tìm thấy bất tỉnh ở ghế sau và tử vong sau đó. Ngày 22/7, một em bé Israel 5 tuổi chết sau 3 tiếng đồng hồ bị nhốt trong ôtô dưới trời nắng nóng. Hồi tháng 5, ba đứa trẻ 6 tuổi, 8 tuổi và 9 tuổi ở Philippine đã tự mở cửa vào xe hơi để chơi, không may cửa xe kẹt khóa nhốt các em bên trong. Nhiệt độ bên ngoài xe 35 độ C, nhiệt độ bên trong xe tới 50 độ C trong vòng một giờ. Ba đứa trẻ cũng tử vong sau đó. Nguy cơ thứ hai là ngộ độc carbon monoxide (CO). Bác sĩ Chính giải thích, khi xe đóng kín cửa nổ máy và bật máy lạnh, trong xe có mức nhiệt dễ chịu nhưng mức oxy (O2) giảm. Nếu xe đậu ở nơi không có nhiều gió, khí CO phát sinh trong khi xe hoạt động có thể rò rỉ vào xe. CO là một khí rất độc. Nồng độ CO trong xe tăng làm giảm lượng O2 đi vào máu, khiến cơ thể bị sốc hoặc có thể đột ngột tử vong. Các chuyên gia trên thế giới cảnh báo việc ở lâu trong ôtô hoặc ngủ quên trên xe khi đóng kín cửa là vô cùng nguy hiểm. Theo Gulfnews, Tiến sĩ Babu Shershad, Trung tâm Y tế Dubai cho biết ngay cả khi chiếc xe trang bị hệ thống lưu thông khí (AC) hoạt động tốt, con người ngủ hoặc ở lâu trong không gian khép kín vẫn có thể bị nguy hiểm vì khi đó không khí lưu thông vào ra xe là không đủ. Không khí có khả năng bị mắc kẹt trong quá trình lưu thông, làm tăng mức độ carbon monoxide và giảm mức độ oxy. Tùy tính năng cơ học của chiếc xe mà lượng khí thải CO khác nhau, làm người trong xe ngạt thở nhanh hoặc chậm. Kể cả khi xe mở cửa sổ, CO vẫn tích tụ ở mức thấp hơn vẫn đủ làm giảm lượng oxy trong máu, khiến người trong xe mất chất lỏng và nước cơ thể. Ảnh: Certifiedpop Vậy có gì khác biệt giữa việc lái ôtô hàng giờ khi xe đóng kín cửa và khi ngủ trong xe đang đỗ? Các chuyên gia cho rằng khi lái xe, bạn nhận thức được nhiệt độ trong xe cũng như bất kỳ rò rỉ khí nào có thể xảy ra, cơ thể cũng tự động điều hòa thân nhiệt phù hợp. Mọi người có xu hướng tìm đến cửa sổ nếu bắt đầu cảm thấy ngột ngạt hoặc cần không khí trong lành. Ngược lại, ngủ bên trong xe hơi hoặc bị nhốt trong xe, không thể mở cửa, cơ thể dễ tăng nhiệt và bị tấn công bởi khí CO. Các chuyên gia khuyến cáo nên tránh ngủ trong xe hơi. Zubair Sharif, một cố vấn dịch vụ xe hơi của Dabai, khuyên mọi người nên kiểm tra tính năng điều hòa không khí của xe sau mỗi 6 tháng. AC bị rò sẽ không làm mát đúng cách hoặc mất thời gian lâu hơn để bắt đầu làm mát xe. Tình trạng này cảnh báo nguy cơ hệ thống làm mát sẽ dừng lại một cách ngẫu nhiên, làm cho nhiệt độ trong xe tăng đột biến gấp hai hoặc ba lần nhiệt độ môi trường xung quanh, nguy hại cho sức khỏe. Thúy Quỳnh - Thùy An Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress