Cho rằng khi lên cơn co giật người đó sẽ nuốt lưỡi vào trong gây tắc thở nên nhiều người sơ cứu bằng cách cho tay vào miệng nạn nhân, việc này có đúng? Theo các chuyên gia, thực chất không có chuyện nuốt lưỡi như nhiều người đồn thổi, mà đó chỉ là hiện tượng tụt lưỡi hoặc tụt khối cơ lưỡi. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể con người lên cơn co giật cao, kéo dài, hôn mê do sốt, trẻ nhỏ, người già cao tuổi hoặc sau va chạm mạnh. Ở trường hợp này, bệnh nhân thường ngừng hô hấp, mất tri giác, không nuốt được, sùi bọt mép, tím tái, tăng tiết đờm và mắt trợn. Nếu nằm ở tư thế sai (nằm ngửa) và không được cấp cứu kịp thời, đúng phương pháp, cuống lưỡi sẽ đè vào đường thở, bệnh nhân dễ gặp những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là mất mạng. Do vậy, việc tối quan trọng là làm sao để sơ cứu người lên cơn co giật kịp thời và đúng phương pháp. Cách sơ cứu người bị co giật Theo bác sĩ Nhi khoa Trương Hoàng Hưng, phòng khám MD Kis Pediatric, Texas, USA, việc đầu tiên bạn cần làm khi gặp người đang bị lên cơn co giật là bình tĩnh, để khoảng không gian lớn cho người co giật, giữ khoảng cách an toàn để tránh bệnh nhân co giật quá mạnh, làm tổn thương tới người xung quanh. Bác sĩ Nhi khoa Trương Hoàng Hưng, phòng khám MD Kis Pediatric, Texas, USA. (Ảnh: FBNV). Tiếp theo, bạn cần thực hiện những biện pháp sau: 1- Chừa một không gian đủ lớn cho người co giật, giữ khoảng cách giữa mọi người xung quanh và người đang co giật. 2- Bảo đảm môi trường an toàn cho người co giật được co giật trong an toàn. Tránh xa vùng có nước, điện, thuỷ tinh, vật sắc nhọn, đồ dùng có thể ngã đổ gây chấn thương. 3- Kê vật mềm dưới đầu người co giật để tránh chấn thương đầu trong lúc co giật. 4- Nới lỏng quần áo quanh cổ, nữ trang, cravat nếu cần để không bị quấn chặt cổ gây nghẹt thở. 5- Không cần đưa bất cứ vật gì vào miệng, không có tác dụng gì nhưng có nguy cơ tổn thương niêm mạc miệng, gãy răng gây hít sặc nhất là trẻ nhỏ còn răng sữa chưa ổn định. Tuyệt đối không nặn chanh vào miệng, người co giật đang mất ý thức sẽ không nuốt được và sặc vào phổi gây viêm phổ, suy hô hấp. 6- Ghi lại thời gian co giật nếu có thể. 7- Khi bệnh nhân đã ngưng co giật, nhẹ nhàng xoay bệnh nhân nằm nghiêng để làm thông thoáng đường thở, đàm nhớt sẽ chảy ra bên ngoài miệng tránh việc hít sặc nước bọt của chính mình. 8- Không đè chặt bệnh nhân, co giật cơ là tự phát không ý thức, đè chặt hay trói người bệnh không hề làm ngưng co giật mà sẽ gây chấn thương cho người co giật. 9- Sau khi người co giật tỉnh lại, đừng để họ một mình mà phải theo dõi xem cho tới khi chắc chắn đã hồi phục. Sai lầm cần tránh khi xử lý người bị co giật Bác sĩ Trương Hoàng Hưng cho biết, nhiều người do không rõ về kiến thức nên dễ bị sai lầm trong việc sơ cứu người co giật. Cụ thể là việc cho tay vào miệng cố ngăn không cho bệnh nhân cắn hoặc nuốt lưỡi. Theo bác sĩ Hưng, thực chất khi co giật sẽ không có ai thè lưỡi ra mà thường thụt lưỡi vào. Bởi vậy, nếu có “lỡ” cắn, thì chỉ cắn phải hai bên viền lưỡi, không gây ảnh hưởng nhiều. “Ngoài ra, quan niệm cứ co giật là lưỡi tuột vào trong gây nghẹt thở cũng không đúng. Bởi vậy, mà việc tự ý cho tay hay vật vào miệng để ngăn cắn hay nuốt lưỡi là hoàn toàn sai lầm, thậm chí còn mang họa cho người bệnh”, bác sĩ Hưng nói. Cũng theo bác sĩ Hưng, việc cố gắng chèn vật hay ngón tay vào giữa hàm răng người đang co giật là vô bổ vì không những không có tác dụng, mà sẽ gây chấn thương rách niêm mạc miệng, gãy răng, gây hít sặc vào phổi, chấn thương ngón tay, tăng nguy cơ nhiễm bệnh qua lại giữa người bị co giật và người cấp cứu, đặc biệt nguy hiểm. Cùng chung quan điểm trên, Ths. BS Dương Văn Tâm – Bệnh viện Châm cứu Trung ương cũng khuyến cáo, việc quan trọng nhất cần tránh khi sơ cứu người bị co giật, hôn mê là không tự ý cho tay, vật hoặc đồ ăn vào miệng người bệnh. Bởi, hành động này sẽ gây nguy hiểm cho cả bệnh nhân và người sơ cứu. “Việc đơn giản nhất, dễ thực hiện lại giữ được an toàn cho nạn nhân chính là đặt cho họ nằm nghiêng sang một bên, nới lỏng cúc hoặc khuy áo cho họ... Hành động này nhằm mục đích khiến họ dễ thở hơn, tránh bị lưỡi chắn ngang đường thở gây nguy hiểm tới tính mạng”, bác sĩ Tâm khuyến cáo. Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV