Nắng nóng làm tan một lượng lớn băng ở Greenland, khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao 0,5mm và hiện tượng này vẫn đang tăng lên. Tháng 7, 197 tỷ tấn băng trên bề mặt của Greenland tan vào Đại Tây Dương. Ngày băng tan nhiều nhất là 31/7 với khối lượng lên đến 10 tỷ tấn. Băng ở Greenland tan nhanh khiến mực nước biển dâng nhẹ. (Ảnh: Joe Raedle). Đây là một trong những đợt mất băng trầm trọng nhất của Greenland kể từ năm 2012, khi 97% lớp băng trên bề mặt có hiện tượng tan chảy. Năm nay lớp băng bề mặt mới tan 56%, nhưng nhiệt độ lại cao hơn đợt nóng năm 2012. Riêng lượng băng tan trong tháng 7 cũng đủ khiến mực nước biển trung bình toàn cầu tăng 0,5 mm. "Điều này nghe có vẻ không đáng kể, nhưng mỗi lần nước biển tăng một chút lại khiến nền đỡ của những cơn bão cao hơn, từ đó các công trình ven biển dễ ngập hơn. Ví dụ, hệ thống tàu điện ngầm New York từng bị ngập vài đoạn trong siêu bão Sandy năm 2012", Andrew Freedman và Jason Samenow, hai biên tập viên thời tiết của tờ Washington Post, giải thích. Việc này tương tự như khi chơi bóng rổ trên nền sân ngày càng cao. Khi đó, những vận động viên thấp cũng có thể úp rổ dễ dàng. Hiện tượng băng tan ồ ạt lần này xảy ra sau khi một đợt nóng quét qua châu Âu, tạo nên mức nhiệt kỷ lục ở Pháp và ảnh hưởng tới Greenland. Tháng 6 năm nay là tháng 6 nóng nhất từng ghi nhận trong lịch sử. Sự ấm lên toàn cầu diễn ra đồng thời với việc mức CO2 trong khí quyển tăng mạnh, chạm ngưỡng chưa từng thấy trong 800.000 năm qua. Các chuyên gia dự đoán, trong dài hạn, biến đổi khí hậu còn gây ra nhiều đợt tổn thất băng nghiêm trọng hơn. Điều này đồng nghĩa với những trận bão tồi tệ hơn xuất hiện, đường bờ biển bị ngập và hàng triệu người tị nạn do khí hậu khắc nghiệt. Nhiệt độ cao cũng có thể khiến nhiều vùng trên thế giới không thể ở được vào một số thời điểm trong năm, khi nhiệt độ vượt quá giới hạn chịu đựng của con người. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV