Điện thoại gặp nước vẫn có thể "cứu" được nếu người dùng áp dụng đúng phương pháp. Lấy điện thoại ra nghe giữa lúc trời mưa to, Ngọc Anh (Hà Nội) luống cuống làm rơi xuống vũng nước trên đường. Điện thoại của cô có khả năng kháng nước, nhưng mặt kính đã bị nứt và nước tràn vào bên trong, tắt nguồn. Ngọc Anh cố gắng khởi động lại nhưng màn hình máy chỉ lóe lên một chút rồi tắt ngấm. Khi mang đến cửa hàng sửa chữa điện thoại, kỹ thuật viên cho biết cô đã mắc một sai lầm lớn khi xử lý máy dính nước, khiến hậu quả nghiêm trọng hơn và buộc phải thay bảng mạch với giá gần 3 triệu đồng. Theo anh Long, một kỹ thuật viên sửa điện thoại có thâm niên 10 năm - rất nhiều người dùng thường "phát hoảng" và cố gắng bật máy để kiểm tra xem liệu có bị làm sao không. Tuy nhiên, chính hành động này đã khiến bảng mạch - vốn đang dính nước lại có dòng điện đi qua có thể bị chập. "Chỉ nên khởi động lại máy khi chắc chắn nó đã khô", anh chia sẻ. Nhiều trường hợp máy bị vào nước mà người dùng không biết, cố gắng bật lại gây chập bảng mạch. Theo kinh nghiệm của anh Long, việc đầu tiên cần làm khi điện thoại bị dính nước là đưa chúng vào nơi khô ráo, lau hết nước ở những nơi có thể như bề mặt, khe, kẽ. Nếu điện thoại vẫn hoạt động, cần tắt nguồn ngay hoặc tháo pin với những máy pin rời. Tiếp tục "sơ cứu" bằng cách giúp máy khô thoáng nhiều nhất có thể, chẳng hạn tháo và lau khô khe sim, khe thẻ nhớ. Mang máy đến các cửa hàng sửa chữa chuyên nghiệp là cách xử lý máy dính nước tốt nhất. Tại đây, các kỹ thuật viên với thiết bị chuyên dụng sẽ kiểm tra từng bộ phận, hoặc nếu cần có thể "bung máy" để làm khô một cách triệt để. Tuy nhiên nếu cảm thấy chiếc máy của mình dính nước không quá nghiêm trọng, hoặc tránh việc "mất zin", người dùng cũng có thể tự xử trí tại nhà bằng các phương pháp hút ẩm, như cho vào thùng gạo, cho vào tủ chống ẩm hoặc dùng hạt Silica Gel. Theo lời chuyên gia, nếu sử dụng phương pháp cho vào thùng gạo thì hãy bọc bên ngoài bằng giấy ăn khô để tránh hạt gạo chui vào cổng sạc, thời gian hút ẩm tối thiểu là 24 tiếng đồng hồ. Trang Makeuseof còn gợi ý một phương pháp khác cũng có thể áp dụng là nhúng điện thoại vào cồn nguyên chất. Cồn sẽ đẩy nước ra khỏi máy, sau đó bay hơi hết. Người dùng cũng cần lưu ý, tuyệt đối nói không với những phương pháp sau: cho máy vào tủ lạnh, tủ sấy quần áo, bộ tản nhiệt hoặc dùng máy sấy tóc để thổi. Việt Nam đang trong những ngày mưa, việc sử dụng điện thoại giữa tiết trời ẩm ướt là điều không tránh khỏi. Mặc dù có nhiều hãng quảng cáo điện thoại của họ có thể chống nước chuẩn IP67 hay IP68, cửa hàng của anh Long vẫn thường xuyên tiếp nhận các ca bị vào nước do bị rơi, khó sửa chữa. Lưu Quý Let's block ads! (Why?)Theo Trang Công Nghệ