Con người vừa tìm ra một dạng hành tinh hoàn toàn chưa từng được quan sát trước đây và đặt biệt danh là “Hải vương tinh siêu nóng”, theo trang Science News dẫn lời chuyên gia James Jenkins trình bày tại Hội nghị Khoa học TESS. Hành tinh, được gọi là LTT 9779b và có kích thước cỡ sao Hải Vương của chúng ta, xoay quanh một ngôi sao giống Mặt trời cách Trái đất khoảng 260 năm ánh sáng. Thế nhưng, trong khi Hải Vương ở cách xa Mặt trời nhất, hành tinh mới vừa tìm được ở khoảng cách vô cùng gần sao trung tâm, cho phép nó chỉ mất 19 giờ (chưa đầy 1 ngày của địa cầu) để hoàn tất chu kỳ quay. Hành tinh LTT 9779b có kích thước lớn gấp 4,6 lần so với Trái đất. Theo nhà thiên văn học Jenkins thuộc Đại học Chile, đa số hành tinh ở khoảng cách gần sao trung tâm thường có kích thước cỡ Trái đất hoặc sao Mộc. Tuy nhiên, ngược đời ở chỗ LTT 9779b lại có kích thước lớn gấp 4,6 lần so với Trái đất và trọng lượng gấp 29,3 lần hơn. Không dừng lại ở đó, đây là hành tinh đầu tiên thuộc nhóm “Hải Vương tinh siêu nóng”, với nhiệt độ bề mặt vào khoảng 1.725oC. LTT 9779b được kính viễn vọng vệ tinh TESS của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện, và hiện ở vị trí gần nhất có thể mà không bị sao trung tâm lập tức thổi bay toàn bộ khí quyển của hành tinh. Theo các nhà nghiên cứu, bước kế tiếp là tiến hành đo đạc tốc độ hao hụt khối lượng của LTT 9779b. Nếu xác định được hành tinh đang mất đi khối lượng nhanh chóng vì ở quá gần sao trung tâm, điều này có thể giải thích tại sao cho đến nay chỉ có một “Hải Vương tinh siêu nóng” lọt vào ống kính của người Trái đất. Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV