Ở các bệnh viện có 4 thùng rác màu xanh, vàng, trắng, đen để phân loại chất thải y tế thông thường, lây nhiễm, nguy hại... Ba ngày nay con trai chị Hồng Hạnh ở Bắc Ninh bị sốt xuất huyết điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội. Mỗi bữa chị mua đồ ăn vào phòng bệnh cho con, còn mình thì ăn đồ ở căng tin bệnh viện. Bình thường, sau khi con ăn xong, chị Hạnh đem rác ra thùng màu xanh để bỏ. Lần này, chị nhìn thấy thùng rác màu vàng, định bỏ túi đựng vỏ cam và đồ thừa vào thì được nhân viên y tế hướng dẫn phân loại vào thùng màu xanh theo quy định. "Bây giờ tôi mới biết ở bệnh viện không phải vứt rác ở thùng nào cũng được, mà phải phân loại và bỏ đúng chỗ", chị Hạnh chia sẻ. Nhiều người bệnh, người nhà không biết cách phân loại rác như chị Hạnh, đôi khi vẫn vứt bông băng vào thùng đựng rác thải sinh hoạt. Nhân viên vận chuyển thùng đựng chất thải nguy hại lây nhiễm tại bệnh viện. Ảnh: Lê Nga. Theo đại diện Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, mỗi ngày có khoảng 30 kg chất thải y tế lây nhiễm sắc nhọn và 100 kg chất thải không sắc nhọn, phát sinh ở hai cơ sở của bệnh viện. Khoảng 660 kg chất thải y tế thông thường khác, lượng nước thải y tế phát sinh trung bình 300 m3 một ngày đêm. Phân loại rác theo màu thùng rác tại viện - Rác sinh hoạt: Thùng màu xanh. - Rác nguy hại có lây nhiễm: Thùng màu vàng. - Rác nguy hại không lây nhiễm: Thùng màu đen. - Rác tái chế: Thùng màu trắng. Từ năm 2018 đến nay bệnh viện áp dụng phân loại rác tại chỗ để thu gom và xử lý an toàn cho môi trường. Trong năm Bộ Y tế kiểm tra cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương xếp loại tốt, trong đó nội dung quản lý chất thải y tế đạt 23/25 điểm. Bệnh viện bố trí khu vực lưu giữ chất thải rắn y tế, gồm chất thải y tế lây nhiễm và chất thải nguy hại khác; trang bị các thùng nhựa các màu khác nhau ở sân viện để chứa chất thải nguy hại, lây nhiễm và không lây nhiễm. Tất cả lượng chất thải này được thu gom trong ngày, định kỳ chuyển giao cho công ty môi trường xử lý. Bệnh viện cũng đầu tư thiết bị bảo quản lạnh để lưu giữ chất thải lây nhiễm và một lò hấp chất thải y tế lây nhiễm với công suất 300 kg một ngày. Bệnh viện Nội tiết Trung ương năm 2018 thu hơn 130 tấn chất thải y tế nguy hại và gần 500 tấn chất thải thông thường. Tất cả rác thải đều được phân loại bằng các túi và thùng riêng để công ty môi trường thu gom và xử lý. Điểm quản lý chất thải y tế của bệnh viện năm 2018 cũng được Bộ Y tế cho tối đa: 25/25 điểm. Người bệnh cùng thân nhân đã có ý thức hơn khi phân loại rác và bỏ vào các thùng chứa đúng quy định. Nhân viên y tế vận chuyển thùng chứa rác thông thường tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Lê Nga. Tại Bệnh viện Bạch Mai, tổng lượng rác thải mỗi ngày khoảng hơn 5 tấn. Rác thải thông thường và nguy hại được bệnh viện hợp đồng với công ty môi trường để xử lý. Theo quy định, những ống tiêm, dây truyền có dính máu, dịch... được bỏ vào túi nilon màu vàng, buộc kín túi, sau đó cho vào các thùng nhựa màu vàng. Nhân viên công ty môi trường lấy rác ngày 2-3 chuyến chở đi xử lý bằng cách đốt. Phó giáo sư Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế cho biết, theo quy chế, tất cả bệnh viện, cơ sở y tế đều trang bị thùng rác có 4 màu xanh, vàng, trắng, đen để phân loại chất thải. Tuy nhiên, hiện vẫn nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân chưa biết cách phân loại rác. "Thói quen không phân loại đúng chất thải trước khi bỏ vào thùng của người bệnh, người nhà người bệnh là nguyên nhân làm tăng lượng chất thải y tế nguy hại, tăng chi phí xử lý chất thải của bệnh viện", bà Hương nhận xét, ngày 31/7. Theo Phó giáo sư Hương, chất thải y tế phát sinh tại các bệnh viện gồm 2 loại: chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường. Trong đó, chất thải thông thường chủ yếu phát sinh trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, người nhà... như thức ăn thừa, vỏ hoa quả, túi nilon, lá cây, bột bó trong gãy xương kín, dược phẩm, hóa chất (không chứa thành phần nguy hại) bỏ hoặc hết hạn sử dụng... Rác sinh hoạt cần được phân loại vào túi hoặc thùng có lót túi màu xanh. Đây chính là loại chất thải nhiều nhất tại bệnh viện, chiếm đến 80-90% tổng lượng rác mỗi ngày. Chất thải y tế nguy hại chỉ chiếm khoảng 10-20%, cần được quản lý theo quy định ở cấp độ cao nhất để đảm bảo an toàn. Chất thải y tế nguy hại gồm 2 nhóm: chất thải nguy hại lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm. Các thùng rác được tập kết để đưa lên các khoa phòng tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lê Nga Chất thải nguy hại lây nhiễm là bông gạc, găng tay y tế, túi đựng máu, dẫn lưu, bơm kim tiêm, kim châm cứu... có dính máu hoặc dịch sinh học cơ thể. Ngoài ra, các mô cơ quan, bộ phận cơ thể người thải bỏ, xác động vật thí nghiệm... cũng là chất thải lây nhiễm. Theo quy định, chất thải lây nhiễm phải được phân loại và đựng trong các túi, thùng có lót túi màu vàng. Chất thải nguy hại không lây nhiễm được phân loại và đựng trong các túi, thùng màu đen bao gồm hóa chất thải bỏ có thành phần nguy hại, thiết bị y tế hỏng có chứa thủy ngân hoặc các kim loại nặng, bóng đèn huỳnh quang, pin, ắc quy, thuốc điều trị ung thư (hóa trị)... Bệnh viện còn có chất thải tái chế từ vật liệu giấy, nhựa, kim loại và thủy tinh không chứa thành phần nguy hại như giấy báo, thùng các tông, vỏ hộp thuốc, chai nước giải khát... Chất thải tái chế này đựng trong các túi hoặc thùng có lót túi màu trắng trước khi chuyển giao cho cơ sở xử lý. Lê Nga Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress