Thời kỳ "giãy chết" của một ngôi sao cho chúng ta hình dung về những gì đến với Mặt trời trong vài tỷ năm tới. Một ngày kia, mặt trời sẽ đốt cháy mọi thứ trên trái đất. Viễn cảnh u ám này còn cách vài tỷ năm và không ai trong chúng ta có cơ hội nhìn thấy điều đó. Tuy nhiên, một sự kiện tương tự đang diễn ra trong vũ trụ. Một nhóm nhà khoa học quốc tế đã quan sát được cơn "giãy chết" của ngôi sao T Ursae Minoris (T UMi), vật thể giống như mặt trời của chúng ta nhưng già hơn và trong giai đoạn phình to khổng lồ trước khi tàn lụi. Mặt trời cũng sẽ ở trong trạng thái phình to, đốt cháy những thành tinh xung quanh trước khi nguội lạnh. (Ảnh: phys.org). "Đây là một trong những cơ hội hiếm hoi khi con người có thể quan sát được những dấu hiệu lão hóa của một ngôi sao", Meridith Joyce, nhà thiên văn học tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), cho biết. Joyce cùng với các nhà thiên văn học đến từ Hungary đã công bố nghiên cứu về sự kiện này trên Tạp chí Astrophysical Journal. Joyce giải thích rằng Mặt trời của chúng ta và T UMi có cùng kiểu diệt vong: phình to thành một quả cầu lửa khổng lồ trước khi sụp đổ. Hàng tỷ năm nữa, mặt trời cũng sẽ ở trong trạng thái như T UMi, sau đó mở rộng thành một quầng khí phát sáng khổng lồ trước khi tàn lụi và để lại một thiên thể tương đối nhỏ và nguội. "Nó sẽ trở nên lớn hơn nhiều khi tiến gần đến sự tàn lụi, nuốt chửng sao Kim, sao Thủy và có thể cả trái đất trong quá trình đó, trước khi thu nhỏ lại thành một sao lùn trắng", bà nói. T UMi cách trái đất 3.000 năm ánh sáng và đã trải qua một loạt biến đổi trong vài triệu năm khi chuyển trạng thái từ ngôi sao khổng lồ tràn đầy năng lượng sang sao lùn trắng. "Những rung động gây ra thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng về kích thước và độ sáng của ngôi sao, điều này có thể quan sát được trong vài thế kỷ", Joyce giải thích thêm rằng ngôi sao đã trở nên nhỏ hơn, mờ hơn và lạnh hơn trong ba thập kỷ qua. "Chúng tôi tin rằng ngôi sao đang bước vào một trong những giai đoạn biến đối cuối cùng của nó", chuyên gia này khẳng định. Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV