Ở Đức có một cây sồi hàng trăm tuổi được gọi là "cây cô dâu chú rể", tương truyền hơn 100 cặp đôi đã viết thư cho nhau gửi vào hốc cây, sau đó cũng được kết duyên ngay tại tọa độ này. Cây sồi kì lạ ở nước Đức gắn với một bác đưa thư tên Karl-Heinz Martens. Mỗi sáng trong suốt 20 năm qua, bác Martens đã lái xe tải băng băng trên các con đường hẹp ở thị trấn Eutin, lướt qua các cánh đồng và nông trại để mất hút vào khu rừng cổ tích. Vừa nhú ra khỏi những tán cây của khu rừng là đúng 12 giờ trưa, và đám đông du khách cũng đang chờ đợi bác Martens. Chuyện về cây sồi kì lạ, mai mối cho trai gái "ế" lâu năm "Mọi người đã thuộc làu cung đường của tôi và đến bên dưới cây sồi đợi sẵn. Nhiều khách lạ không thể tin rằng một bưu tá lại vận chuyển thư đến một cái... hốc cây như thế" - Martens kể. Nói với tờ Atlantic, bác Martens - hiện đã nghỉ hưu - gọi các lá thư đến và đi từ hốc cây này là "những thông điệp tình yêu". Trên toàn châu Âu, cũng chỉ có duy nhất một hòm thư đặt bên trong lão cổ thụ như vậy mà thôi. Đó là cây Bräutigamseiche hay còn gọi là "Cây sồi cô dâu chú rể", đã hơn 500 năm tuổi. Bác Martens hiện giờ và hồi còn làm bưu tá. (Ảnh: Jeff Maysh, NVCC). Theo giai thoại, ngày xửa ngày xưa có một thanh niên khôi ngô tuấn tú, vốn là con trai của một vị hoàng tử, đã bị lạc vào rừng. Không ai hay biết về vụ mất tích cho đến khi một cô gái cực xinh đẹp đi ngang qua và giải cứu cho chàng. Vì quá cảm động, chàng trai đã gieo hạt sồi xuống nơi đó để đánh dấu, về sau mọc lên thành một lão cổ thụ cao gần 25 mét - chính là cây sồi nổi tiếng ngày nay. Một câu chuyện khác còn thú vị hơn diễn ra vào năm 1890. Một thanh niên chuyên làm chocolate ở vùng Leipzig đã phải lòng với con gái của một gia đình sống trong rừng. Tuy nhiên, tình yêu này bị cha của cô gái ngăn cấm. Vì thế, cặp đôi trẻ chỉ có thể lén lút trao đổi thư tình cho nhau bên trong một cái hốc của cây sồi cao lớn. Năm tháng trôi qua, đến một ngày nọ thì tình yêu thầm kín cũng bị cha cô gái phát hiện, nhưng lần này ông lại bị đôi trẻ làm cho cảm động. Chính ông cụ là người thúc giục hai con làm đám cưới ngay bên dưới cây sồi mà họ đã trao thư tình cho nhau. Kể từ đó, cây sồi chính thức mang tên "cây cô dâu chú rể". Thông điệp tình yêu được gửi trong các hốc của cây sồi. (Ảnh: Archiv TI Eutin, Eliot Stein). Nhưng mãi đến 37 năm sau (1927), bưu điện Deutsche Bundespost mới trao "danh phận" cho cây sồi mai mối. Họ lấy hốc cây làm hòm thư, cho nó một địa chỉ cụ thể rõ ràng, thậm chí còn bắc thang cố định cao 3 mét để bưu tá trèo lên và lấy thư/ đưa thư từ hốc cây. Những trái tim cô đơn có thể gửi thư tình "cầu duyên" qua bưu điện, cũng có thể trực tiếp đến hốc cây mà mở thư bất kì. Nguyên tắc duy nhất là nếu bạn mở một lá thư làm quen nhưng không định trả lời, hãy đặt nó nguyên vẹn về chỗ cũ cho một ai đó "đúng thời điểm" hơn. Thời ấy, nhiều cô gái trẻ còn kháo nhau rằng nếu bước vòng quanh cây sồi 3 lần thì họ lập tức sẽ có thể kết hôn trong 1 năm tới. Một đám cưới dưới tán sồi kì diệu. (Ảnh: Atlantic). Bắt đầu từ năm 1927, đã có hàng trăm trai thanh gái lịch nên duyên nhờ cây sồi mai mối. Trong đó bao gồm một cô người Mỹ và một chàng lính Anh Quốc. Sau nhiều lá thư trao nhau, cặp đôi quyết định chuyển về Scotland sống hạnh phúc bên nhau. Ngoài ra có một cô gái khác "nghiện nhưng còn ngại", khiến bạn bè của cô tức mình viết thư giùm rồi nhờ đó mà cô tìm được ý trung nhân như ý - là một anh lính người Đức. Sau đó, có một người đàn ông từ Ruhr lặn lội đường xa đến thị trấn Eutin, lưu lại một resort ven biển Baltic, hàng ngày đi bơi để cải thiện sức khỏe. Tuy vậy, một hôm trời lạnh giá khiến người đàn ông quyết định dạo bước vào rừng. Anh cứ đi lẩn thẩn rồi bắt gặp cây sồi trong truyền thuyết, mở đại một lá thư. Thật bất ngờ, lá thư ấy đến từ một phụ nữ đồng hương. Hai người họ gặp nhau, trò chuyện vui vẻ rồi bắt đầu tình yêu và tiến tới hôn nhân. Một lần nữa, "quyền lực mai mối" của cây sồi đã ứng nghiệm. Những cánh thư gửi vào hốc cây... (Ảnh: NVCC). Đến tận ngày nay, người Đức vẫn rất tự hào về cây sồi mai mối của mình, thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Thậm chí vào ngày 25/4/2009 người ta đã "cưới vợ" cho lão cổ thụ này. Thê tử được chọn là một cây dẻ ngựa 200 tuổi ở Düsseldorf (cũng là thân cây thứ hai ở Đức có địa chỉ thư từ). Hai "ông bà cụ" sống với nhau được 6 năm thì "lão bà" qua đời vì tuổi cao sức yếu, để lại mình lão sồi cổ thụ tiếp tục sứ mệnh mai mối độc nhất vô nhị của mình. Cây sồi cũng chứng giám cho chuyện tình của bác đưa thư Quay trở lại bác đưa thư Martens - ông có mẹ người Pháp và bố là người Đức. Vì vậy, ông vừa thừa hưởng tính nguyên tắc tuyệt đối của người Đức và đầu óc vừa hài hước vừa lãng mạn, xen lẫn chút châm biếm sâu cay của người Pháp. Martens kể, suốt 20 năm làm bưu tá, ông đều đặn trao thư tình của khách hàng nhưng hoàn toàn không tin vào những chuyện cổ tích đó. Cho đến khi, chính Martens cũng không thoát khỏi "ma lực tình yêu" của cây sồi trăm năm. Ông và bạn đời gặp nhau khi cả hai đều đã trải qua một lần hôn nhân tan vỡ. Một hôm nọ, Martens cũng leo lên hốc cây để lấy thư như thường lệ thì bắt gặp điều đáng chú ý: lá thư này gửi cho chính ông! Người gửi là Renate Heinz, làm nghề buôn bán rượu vang. Bà Renate hơn 50 tuổi, đã li hôn, có một cậu con trai đã trưởng thành. Khi nghĩ phần đời còn lại sẽ chỉ chuyên tâm lo cho nghề rượu, bà Renate tự dưng lại thấy truyền hình đưa tin về "cây sồi cô dâu chú rể" và phỏng vấn người bưu tá Karl-Heinz Martens. "Lập tức tôi cảm thấy có kết nối với người đàn ông này nên đã biên thư ngay" - Renate nhớ lại. Một lá thư nằm trên hốc cây, chờ người thích hợp mở ra. (Ảnh: Eliot Stein). Khi Martens mở thư, ông còn bất ngờ trước sự thẳng thắn của người phụ nữ, chỉ viết ngắn gọn rằng: "Tôi muốn làm quen anh!". Địa chỉ gửi là Saarbrücken, gần biên giới với Pháp nên Martens cũng cảm thấy thú vị và có sự kết nối. Là một bưu tá nhưng Martens lại... lười viết thư vì quá mất công, nên ông đã nhấc điện thoại lên và gọi cho Renate suốt hàng tiếng liền. "Tôi vẫn còn giữ hàng tá hóa đơn điện thoại ngày ấy đây" - Martens vui vẻ nói. Trong một lần về Pháp thăm mẹ, Martens đã ghé ngang Saarbrücken để gặp bạn tâm thư của mình. Và ông vẫn làm như vậy suốt 5 năm sau - khi thì cùng bà Renate chuyện trò, lúc lại uống thử loại rượu vang mới. Nhớ về những trải nghiệm lúc đó, bác bưu tá hóm hỉnh chia sẻ: "Tôi không biết người dân vùng Saarbrücken ra sao, nhưng vì gần nước Pháp nên cũng tiện đường. Nếu tôi không thích bà ấy, thì chỉ cần leo lên xe biến đi ngay lập tức". Nhưng cuối cùng, họ gắn kết với nhau và bà Renate theo ông Martens về thị trấn Eutin. "Quyết định này chẳng điên rồ chút nào" - người phụ nữ khẳng định. "Bởi vì chúng tôi quen nhau nhờ cây sồi cô dâu chú rể, nó có quyền năng đặc biệt mà, chứ có phải gặp ở sàn nhảy disco đâu mà lo". Martens - Renate hôn nhau bên cạnh cây sồi tình duyên. (Ảnh: NVCC). Năm 1994, cặp đôi nói lời hẹn ước bên dưới tán cây sồi vĩ đại trước sự chứng kiến của đông đảo bạn bè người thân. Báo địa phương đã gọi hôn lễ ấy là hochzeit des jahres - nghĩa là "Đám cưới của năm". Mãi về sau, câu chuyện của Martens - Renate vẫn là chuyện tình nổi tiếng bậc nhất gắn với cây sồi thần kì hơn 500 năm tuổi. Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV