Tên lửa GSLV Mark III-M1 đưa tàu Chandrayaan-2 rời bệ phóng từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan, bang Andhra Pradesh, lúc 16h13 hôm nay (giờ Hà Nội). Với việc phóng Chandrayaan-2, Ấn Độ đang trên đường trở thành nước thứ 4 sau Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc có tàu hạ cánh thuận lợi xuống Mặt Trăng. Sự kiện diễn ra muộn một tuần so với kế hoạch ban đầu, theo CNN. Hôm 15/7, chỉ 56 phút trước giờ phóng dự kiến, Ấn Độ thông báo hoãn do trục trặc kỹ thuật. Chandrayaan-2 nặng 3,8 tấn, gồm ba thiết bị chính là tàu bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng, trạm đổ bộ và xe thám hiểm. Các thiết bị này đều được phát triển bởi Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO). Sau hai tháng di chuyển ngoài không gian, con tàu sẽ tiến vào quỹ đạo cách bề mặt Mặt Trăng 100 km. Từ đây, trạm đổ bộ Vikram tách khỏi tàu chính và nhẹ nhàng hạ cánh xuống gần Cực Nam của Mặt Trăng. "15 phút cuối của chuyến tiếp đất sẽ là khoảnh khắc đáng sợ nhất với chúng tôi", Kailasavadivoo Sivan, người đứng đầu ISRO, chia sẻ. Pragyan, xe thám hiểm bên trong trạm đổ bộ, sẽ ra ngoài hoạt động. Nó dự kiến dành một ngày Mặt Trăng, tương đương 14 ngày Trái Đất, thu thập mẫu hóa chất và khoáng vật trên bề mặt để phục vụ cho các phân tích khoa học. Trong năm sau, tàu bay trên quỹ đạo sẽ lập bản đồ bề mặt Mặt Trăng và nghiên cứu lớp khí quyển ngoài. Thu Thảo (Theo CNN) Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress