Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tìm thấy một loài sóc bay rất hiếm gặp ở Vân Nam chỉ có vài cá thể được quan sát trong tự nhiên. Nghiên cứu công bố hôm 18/7 trên tạp chí ZooKeys mô tả mẫu vật thuộc về một loài sóc bay mới, được tìm thấy trong bộ sưu tập của Viện Động vật học Côn Minh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Loài sóc bay này thuộc chi Biswamoyopterus, chi sóc bay bí ẩn nhất và hiếm nhất. Trước đây, các nhà nghiên cứu chỉ xác định được hai loài thuộc chi Biswamoyopterus ở phía nam châu Á, gồm sóc bay Namdapha ở Ấn Độ và sóc bay khổng lồ ở Lào. Mỗi loài được nhận dạng từ một mẫu vật phát hiện lần lượt vào năm 1981 và 2013. Nhóm nghiên cứu Trung Quốc thu thập mẫu vật mới trên núi Cao Lê Cống ở tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc. Lúc đầu, họ cho rằng con vật là loài sóc bay Namdapha cực kỳ nguy cấp. Tuy nhiên, con sóc có nhiều đặc điểm khác biệt về màu sắc cũng như hình thái hộp sọ và hàm răng. Sau đó, các nhà khoa học tiến hành khảo sát thực địa và tìm được một con sóc khác. Họ bổ sung loài thứ ba vào chi Biswamoyopterus và đặt tên là sóc bay núi Cao Lê Cống. "Loài mới được phát hiện ở khu vực trống trải trải dài 1.250 km giữa môi trường sống biệt lập của hai loài đã biết", Li Quan, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết. Sóc bay có một lớp màng đặc biệt giữa chân trước và chân sau, giúp chúng lượn qua không trung giữa các ngọn cây. Chúng dựa vào cử động chân để thay đổi hướng, và chiếc đuôi đóng vai trò như bộ phanh giúp chúng đáp xuống điểm dừng. An Khang (Theo Xinhua/CGTN) Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress