Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao trình độ chuyên môn và kỹ thuật điều trị ung thư của các bác sĩ Bệnh viện K, Hà Nội. Tại lễ Kỷ niệm 50 năm thành lập và phát triển Bệnh viện K, sáng 18/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Các bác sĩ Bệnh viện K vừa chữa trị ung thư giai đoạn cuối cho vừa giữ thai nhi và sinh thành công, là ca điển hình cho sự thành công của điều trị ung thư ở Việt Nam, như chuyện cổ tích giữa đời thường". Chị Liên đã trải qua ca mổ trong tư thế ngồi hồi giữa tháng 5 với tình thế thập tử nhất sinh. Sau gần hai tháng, chị đã hồi phục một cách đáng kinh ngạc, em bé cũng được xuất viện về nhà. "Bệnh viện đã áp dụng thành công nhiều thành tựu khoa học, kỹ thuật điều trị tiên tiến, công nghệ cao, nâng cao hiệu quả điều trị, kéo dài cuộc sống cho nhiều bệnh nhân. Tỷ lệ điều trị khỏi một số bệnh ung thư ngang với các nước tiên tiến. Tỷ lệ điều trị thành công ung thư vú đạt 75%, bằng Singapore", Thủ tướng đánh giá. Bệnh ung bướu ngày càng có xu hướng gia tăng trên thế giới và cả Việt Nam. Ở Việt Nam, mỗi năm có 165.000 ca mắc mới và hiện trên 300.000 bệnh nhân đang sống chung với ung thư. Tình trạng này đặt ra cho ngành y tế, ngành khám điều trị ung thư nhiệm vụ hết sức nặng nề. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi các bệnh nhi tại Bệnh viện K, sáng 18/7. Ảnh: VGP. Giám đốc Bệnh viện K cho biết bệnh viện vừa được kết nạp là thành viên thứ 100 của Tổ chức các bệnh viện, Viện Ung thư châu Âu (OECI). Bệnh viện là cơ sở điều trị ung thư đầu tiên của châu Á được gia nhập tổ chức uy tín này. Bệnh viện K được thành lập từ tiền thân là Viện Curie Đông Dương ra đời năm 1923. Khi ấy Viện Curie do ông Pièrre Moullin phụ trách với mục đích là chữa bệnh ung thư cho người dân Đông Dương và người Pháp. Viện đã áp dụng thành quả nghiên cứu của nhà khoa học Marie Curie vào trong điều trị bệnh nhân. Các kim và type radium dùng tại Viện lúc đó được đích thân nhà khoa học Marie Curie kiểm tra, xác nhận tại Viện Curie Pháp rồi mới chuyển về Việt Nam để điều trị cho người bệnh. Năm 1926, Viện Curie Đông Dương được đổi tên thành Viện Radium Đông Dương, là trung tâm nghiên cứu bệnh ung thư duy nhất tại khu vực Đông Dương thời đó. Năm 1959, Viện Radium được sáp nhập vào Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức) và trở thành Khoa Ung thư của Bệnh viện Việt Đức trong những năm 1959-1969. Năm 1969, Bộ Y tế ra quyết định thành lập Bệnh viện K, mở ra thời kỳ phát triển mới đối với ngành điều trị ung thư ở Việt Nam. Từ một cơ sở với 120 giường bệnh, đến nay Bệnh viện K có 3 cơ sở khang trang với 2.400 giường bệnh, trang thiết bị hiện đại như hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ thế hệ mới nhất, hệ thống xạ trị gia tốc đa mức năng lượng, hệ thống xạ phẫu hiện đại nhất, hệ thống phẫu thuật robot điều khiển từ xa, hệ thống trung tâm pha chế thuốc tập trung... Mỗi năm, bệnh viện khám chữa bệnh cho hơn 500.000 lượt bệnh nhân. "Là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của cả nước về phòng chống ung thư, Bệnh viện K cần sớm trở thành một trung tâm hàng đầu trong khu vực về điều trị ung bướu, là điểm đến tin cậy không chỉ đối với người bệnh mà còn với các đồng nghiệp và bạn bè quốc tế", Thủ tướng nói. Lê Nga Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress