Sự thay đổi chính sách liên tục từ YouTube khiến nhiều người làm nội dung trên nền tảng này thua lỗ, phá sản. Ở thời kỳ đỉnh cao, Hồng Ngân (Thanh Xuân, Hà Nội) sở hữu một đội hơn 20 nhân viên, hàng ngày sản xuất video để đăng lên kênh YouTube của mình với hàng triệu lượt đăng ký (subscriber). Có tháng, cô thu được hàng chục nghìn USD, vừa để trả lương nhân viên, vừa đầu tư mở thêm kênh, lại mua nhà, mua xe... Tự nhận mình thức thời vì biết "đứng trên vai người khổng lồ", Ngân đã có cơ ngơi đáng mơ ước ở tuổi 26. Tuy nhiên, "gã khổng lồ này" không phải lúc nào cũng "dễ tính" để cho những người như Ngân thỏa sức kiếm tiền. YouTube - trang web chia sẻ video do 3 nhân viên cũ của PayPal tạo nên vào tháng 2/2005 và được Google mua lại 1,65 tỷ USD tháng 11/2006 - đang được giới trẻ cho là một kênh kiếm tiền từ nội dung video nhanh và dễ nhất. Đầu năm 2018, YouTube thay đổi chính sách kiểm duyệt nội dung và phân phối quảng cáo, dẫn đến hàng loạt kênh làm về nội dung cho trẻ em trên khắp thế giới bị mất khả năng kiếm tiền, nặng hơn là xóa kênh. Hệ thống này cũng bắt buộc các kênh phải có trên 4.000 giờ xem trong 12 tháng trước và 1.000 lượt subs mới có thể bật tính năng kiếm tiền. Trong tình cảnh đó, giải pháp duy nhất của các đội sống nhờ Youtube là mua lại các kênh có sẵn để có thể mang về doanh thu nhanh, duy trì đội ngũ nhân viên sáng tạo. Tuy nhiên, đây cũng là bước ngoặt khiến Ngân điêu đứng một năm sau đó. Vì nhiều lý do, YouTube ngày càng làm khó với các kênh trong hệ thống của Ngân. Có thời điểm, mỗi tuần hệ thống của cô bị khóa một kênh hàng trăm nghìn lượt subs. Đó là cú sốc quá lớn với một người vốn coi Internet là mảnh đất màu mỡ và chưa từng gặp thất bại. Cuối tháng 4 vừa qua, Ngân đã quyết định giải tán tất cả, cắt gần hết nhân sự, thanh lý máy móc, chỉ giữ lại một vài người chủ chốt và duy trì làm một kênh "sạch" với nội dung lành mạnh để chờ thời cơ đến, dù khả năng kiếm tiền là rất thấp. Trong nhóm những người làm Youtube tại Việt Nam, Vũ Đăng vừa đăng bán bộ thiết bị quay phim của mình. Số tiền đầu tư máy quay, ống kính, chân máy, thẻ nhớ lên tới hơn 40 triệu đồng, cùng 5 tháng bỏ việc về quê làm video mà chưa thu được đồng nào. Giờ đây, Đăng phải thanh lý cả bộ máy với giá bằng nửa. Trong bài đăng của Đăng, rất nhiều "đồng nghiệp" cũng vào chia sẻ cảnh ngộ. Với Ngân và Đăng, làm YouTube không cho "quả ngọt" như mong muốn. Nhưng với nhiều bạn trẻ, cái danh "YouTuber" vẫn đang có sức hút mãnh liệt và đây còn được coi là một nghề thời thượng - vừa làm vừa chơi mà vẫn ra tiền. Thực tế, để biến video trên YouTube thành một kênh kiếm tiền chính, người tham gia phải đánh đổi rất nhiều. Theo thống kê của TheNextWeb đầu năm 2018, 96,5% số vlogger trên thế giới không thể kiếm đủ tiền để vượt qua mức "chuẩn nghèo". Còn để lọt vào top 3% dẫn đầu, kênh YouTube phải đạt tối thiểu 1,4 triệu lượt xem mỗi tháng. Không dừng lại ở đó, khi đã đủ điều kiện và trở thành một đối tác của YouTube để kiếm tiền, chủ kênh sẽ phải liên tục ra video, video sau sáng tạo hơn video trước để giữ "người hâm mộ", cũng như nhận thêm những ưu tiên từ hệ thống. Điều này dẫn đến một áp lực vô hình khủng khiếp. Michelle Phan - chuyên gia trang điểm người Mỹ gốc Việt sở hữu kênh YouTube dạy trang điểm với 9 triệu lượt theo dõi - đã phải từ bỏ việc làm video vì gặp phải các vấn đề về tâm lý, hay mới đây nhất là streamer nổi tiếng Việt Nam - PewPew - quyết định giải nghệ "để có một cuộc sống bình thường" là những minh chứng rõ ràng nhất về áp lực từ kiếm tiền trên nền tảng này. Ngoài ra, nhằm thỏa mãn người xem cũng như muốn gây sốc để nổi tiếng nhanh, nhiều YouTuber trẻ đã bất chấp luật pháp và thuần phong mỹ tục tạo ra những nội dung phản cảm hay bạo lực. Đây là mầm mống khiến YouTube phải thay đổi chính sách liên tục và bản thân cộng đồng nhà sáng tạo bị ảnh hưởng theo. Theo Đức Thắng, kỹ thuật viên tối ưu hóa kênh của một Multi Channel Network (MCN - Mạng đa kênh) có trụ sở chính tại TP HCM, việc người dùng sử dụng YouTube như một kênh kiếm tiền chính là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, không phải cứ đăng video lên là sẽ có tiền về. Chủ kênh cần có những nội dung mang lại giá trị cho người xem, ra video đều đặn và xác định đã "chơi" là phải tuân thủ luật của YouTube. Theo một người làm Youtube lâu năm, chỉ số CPM (Cost Per 1000 impressions) tại Việt Nam khoảng 0,3 USD. Nghĩa là, các nhà sáng tạo sẽ kiếm được 300 USD (khoảng 7 triệu đồng) nếu đạt một triệu lượt xem từ Việt Nam, chưa kể phải chia 20-50% doanh thu nếu tham gia MCN để kiếm thêm người xem. Nhưng để đạt được một triệu lượt xem, ngoài yếu tố may mắn, người làm YouTube phải mất rất nhiều thời gian để sáng tạo nội dung, mua sắm thiết bị, quay dựng video, cạnh tranh với hàng nghìn kênh mới được tạo ra mỗi ngày. Và hơn cả, phải tuân thủ luật chơi từ YouTube - vốn chưa ổn định và liên tục thay đổi. Lưu Quý Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ