Trong bóng đêm lờ mờ ở một địa chỉ chữa vô sinh sau bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), vợ chồng chị Thảo (Hà Nam) thu lu một góc. Chẳng nói chẳng rằng, mỗi người cố gặm chiếc bánh mì dai ngoằng. Ai hỏi, họ cũng trả lời nhát gừng câu được, câu mất. Sau một hồi tỉ tê làm quen, anh chồng đứng lên đi dạo, chị Thảo mới bộc bạch đây là lần thứ 3 đến địa chỉ này khám. Hai lần trước đến đều hết số khám bệnh. Chị chán định không đi nữa nhưng chồng động viên mãi cũng cố theo. Người phụ nữ này cho biết kết hôn được 5 năm 3 tháng, đồng nghĩa với ngần ấy thời gian vợ chồng chị lặn lội tứ phương chữa vô sinh cả Tây y lẫn Đông y mà không một lần thành. "Không biết người khác thế nào chứ nhiều lần em tưởng con yêu về lắm. Em thấy các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, thân nhiệt tăng cao, đau lưng, buồn ngủ nhiều, dễ cáu gắt... Linh tính mách bảo có thai nhưng dùng que thử lại thấy chán chường. Có lúc em cay cú em mua cả đống que về, chỉ thấy 1 vạch hoặc 2 vạch lờ mờ. Em cứ dối là mình hoa mắt", Thảo chia sẻ về hy vọng thời điểm đầu đi chữa. Nhiều lần vợ chồng Thảo đi siêu âm chất lượng trứng, tinh trùng đều tốt. Bác sĩ chỉ định giao hợp nhưng vẫn không thành. Hy vọng rồi thất vọng như điệp khúc lặp đi lặp lại khiến Thảo chán nản. Giờ cô đã nguội niềm tin. Có lẽ vì thế, cứ đi chữa vô sinh được vài tháng Thảo lại không đủ kiên trì theo tiếp. Trong 5 năm, vợ chồng cô đã đi hơn chục nơi. "Có những cặp vợ chồng em gặp đã ngấp nghé tứ tuần cả rồi mà vẫn kiên trì theo uống thuốc cả vài năm hay đi thụ tinh nhân tạo đến cả chục lần. Em thì chẳng được như vậy, nghe ai mách ở đâu em cũng đi nhưng được 2, 3 tháng điều trị mà không khả quan lại bỏ", người phụ nữ 25 tuổi cho biết. Vẫn đi chữa vô sinh đều đặn trong 3 năm nay nhưng không ai trong số bạn bè biết vợ chồng Mây (Đội Cấn, Hà Nội) bị hiếm muộn. "Mỗi lần ai đó nhắc chuyện con cái là tôi cảm giác như họ đang giễu cợt mình. Tôi lập tức xù lông, viện lý do còn trẻ, đang muốn làm kinh tế hay không thích con cái để chống chế. Đôi lúc gặp được người cùng cảnh ngộ thì trong lòng mới dễ cởi bỏ", Mây cho biết. Mây kết hôn đã 3 năm. Chồng cô là "độc đinh", tuổi lại cao nên ngay từ kỳ 2 năm cuối đại học Mây đã lên xe hoa. 1-2 tháng rồi nửa năm trôi qua không có tin vui, cặp vợ chồng son mới giật mình lo lắng. Đi kiểm tra thì té ngửa cả hai cùng có vấn đề. "Bố mẹ anh ấy già rồi, suốt ngày than vãn, chê trách vợ chồng tôi bất hiếu không sinh cho các cụ mụn con. Áp lực đằng nội quá nhiều khiến vợ chồng tôi không thở nổi. Ngày lễ, Tết chỉ muốn đi đâu đó cùng nhau, sợ nhất là phải tụ họp gia đình", Mây chia sẻ. Tránh gia đình, cặp vợ chồng này càng tránh bạn bè hơn. Mây kể đã 2 năm rồi cô không dám tụ họp với những cô bạn thân. Có lần bị bạn trách "theo chồng bỏ cuộc chơi", cô chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng. "Vợ chồng tôi tính rồi, nếu năm nay không được nữa thì chắc phải đi nuôi cấy, không thì xin con nuôi cho các cụ yên lòng. Chứ lúc nào cũng đeo đuổi cái ước mơ không thành thế này tôi mệt mỏi lắm. Sao con đường chữa vô sinh của vợ chồng tôi mịt mù thế", Mây sầu não. Người phụ nữ này đi xét nghiệm thì biết bị niêm mạc mỏng, khó giữ thai, ngay lập tức chị mang tâm lý chán nản không muốn kiên trì chữa nữa. Ảnh: Phan Dương. Theo lương y Nguyễn Thiên Tích (tên thường gọi cụ lang Thiên Tích) - nguyên chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam thì yếu tố tinh thần là quan trọng nhất trong điều trị vô sinh. Chữa vô sinh cần nhất là phải thuận vợ thuận chồng, cả hai cùng kiên trì, có sức chịu đựng vì thời gian điều trị không phải ngày một ngày hai. Cụ lang Thiên Tích cho rằng, căn nguyên của những điều hạnh phúc trên đời là lấy vợ, gả chồng, sinh con đẻ cái. Sinh con là một trong những điều vạn phúc nhất. Hơn thế, làng quê Việt Nam còn khá nặng nề chuyện sinh con. Cưới nhau về mà hai, ba năm chưa có bầu là lời ra tiếng vào, có người còn ác miệng chê cười. Mặc cảm, sợ hãi trước dư luận là nguyên nhân chính làm tan vỡ hạnh phúc nhiều gia đình và khiến nhiều cặp lỡ mất cơ hội có con. Thêm vào đó, khi bị muộn con, đầu óc luôn suy nghĩ lo âu, buồn bực hại đến khí huyết, chuyện chữa vô sinh đã khó càng khó hơn. Cho nên "ở khía cạnh Đông y, muốn trị bệnh gì phải chữa từ tâm bệnh, sau đó mới đi sâu vào từng bệnh lý. Một khi tinh thần thoải mái thì nam tử mới sinh tinh tốt, nữ tử mới sinh huyết hay", cụ lang Thiên Tích nói. Cũng như vậy, lương y Phó Hữu Đức - Chủ tịch Hội đông y Cầu Giấy (Hà Nôi) cho rằng người đi chữa hiếm muộn thường có tâm lý rất nặng nề. Nhiều gia đình mất chồng, mất vợ vì khó đường sinh đẻ. Lương y Đức kể về trường hợp một phụ nữ 31 tuổi ở Tây Hồ (Hà Nội) xinh như tranh vẽ, làm hướng dẫn viên du lịch. Tài sắc vẹn toàn là vậy nhưng vẫn bị nhà chồng dùng áp lực ép ly hôn do cô không sinh được con. "Cái may của cô này là vẫn nuôi hy vọng có con, dù ly hôn nhưng người chồng vẫn yêu thương qua lại. Sau cả năm kiên trì uống thuốc thì cô ấy có tin vui. Nhà chồng vẫn không tin và không chấp nhận. Đến khi đứa cháu sinh ra thấy giống mới cho vợ chồng về sống với nhau", lương y Phó Hữu Đức kể. Theo lương y Đức, vì áp lực, mặc cảm, vì tiền bạc, công việc, vì mong mỏi không được mà tuổi tác cứ ngày một cao khiến người đi chữa vô sinh bị héo mòn, không kiên trì, hay bỏ giữa chừng. Những trường hợp đến chữa chỗ ông đa phần đã đi nhiều nơi, chữa nhiều năm, yếu tố tâm lý nặng nên thường phải mất thời gian để điều trị tâm lý. Về phần bác sĩ, lương y Đức cho rằng trong những trường hợp này phải thăm khám kĩ càng cho bệnh nhân. Kiến thức chuyên môn, giao tiếp ứng xử nhã nhặn tạo cho bệnh nhân sự tin tưởng. Bốc thuốc, có thể nói về các vị thuốc, công dụng đồng thời dặn dò những điều nên và không nên để người bệnh thoải mái tinh thần, yên tâm điều trị. "Chữa cho bệnh nhân hiếm muộn thì ngoài thuốc điều chỉnh nội tiết còn có thêm những vị thuốc an thần để bệnh nhân ăn ngủ tốt, bớt lo lắng. Tinh thần quá căng thẳng làm stress, tâm can uất kết. Chỉ khi thoải mái thì tinh trùng, trứng mới chất lượng được. Thầy thuốc giỏi không chỉ ở thuốc tốt, cần nhất vẫn là cởi bỏ khúc mắc trong lòng bệnh nhân", vị lương y từng chữa thành công nhiều ca vô sinh khó cho biết. Phan Dương Nguồn VNExpress