Một giờ chiều ngày 14/7, không khí khẩn trương, có phần căng thẳng vẫn tràn ngập hội trường nhà A2 Đại học Kinh tế Quốc dân. 37 đội lập trình AI tham gia Vòng chung kết Hackathon khu vực Hà Nội đang tất bật kiểm tra lại các công đoạn cuối, chạy thử ứng dụng trước khi thuyết trình trước hội đồng chuyên môn. Với tổng số 180 thí sinh, Hà Nội là khu vực diễn ra buổi Hackathon cuối cùng trong Chuỗi "Hackathon Vietnam AI Grand Challenge 2019", đồng thời lập kỷ lục về số người tham gia so với hai khu vực TP HCM và Đà Nẵng. Với đề bài là các sản phẩm trợ lý ảo sử dụng công nghệ AI... , các đội chỉ có hơn 40 giờ để lên giải pháp và lập trình tại chỗ. Nhiều đội phải đổi ý tưởng đến phút chót, thậm chí gặp sự cố về nhân sự và phải thay đổi phương án phân bổ ngay trong thời gian thi đấu. Các đội đang thuyết trình về sản phẩm trước ban giám khảo Sau phần coding và giới thiệu, 12 đội xuất sắc đã được lựa chọn vào vòng thuyết trình (pitching) và demo sản phẩm. Con số này vượt quá so với quy định từ 8-10 đội ban đầu của ban tổ chức. Ông Phạm Kim Cương - đại diện ban giám khảo, đồng thời là sáng lập công ty về trí tuệ nhân tạo tại Mỹ đánh giá cao các ý tưởng ở tính thực tiễn, thời sự như ứng dụng sức khỏe thông minh, chăm sóc người già, học tiếng Anh qua tin tức, cảnh báo lạm dụng tình dục... Ngoài ra, hàm lượng kỹ thuật cao, đặc biệt khả năng thuyết trình tiếng Anh lưu loát của các đội cũng là những điểm nhấn của cuộc thi. "Chỉ 40 tiếng nhưng có thể thấy đam mê về công nghệ mãnh liệt, quá trình làm việc không mệt mỏi của các bạn trẻ. Đây cũng là cơ hội để các bạn khám phá ý tưởng mới, kết nối với mọi người xung quanh, với cộng đồng những người làm AI, đồng thời nhận sự hỗ trợ từ các tập đoàn, tổ chức chính phủ" đại diện ban giám khảo cho biết. 12 đội xuất sắc được lựa chọn để thuyết trình và demo sản phẩm Chiến thắng chung cuộc đã thuộc về đội YoungRGD, với ứng dụng học tiếng Anh thông qua tin tức. Trợ lý ảo sẽ cung cấp hệ thống các câu hỏi kiểm tra khả năng đọc hiểu, ngữ pháp, từ vựng ngay khi người dùng đọc một bản tin tiếng Anh. Đội giải Nhất dành giải thưởng trị giá 4.000 USD. Một giải nhì trị giá 2.000 USD và hai giải ba trị giá 1.000 USD mỗi giải lần lượt thuộc về Ftech - ứng dụng gợi ý sản phẩm khi mua hàng tại các trung tâm thương mại, bookworm - trợ lý ảo bán hàng, tự động giải quyết đơn hàng, phản hồi khách hàng và Voicebot - trợ lý ảo thay tổng đài tự động. Ngoài ra, ban giám khảo còn đặc cách chọn thêm đội antimatlab - ứng dụng nhận diện và cảnh báo hành vi xâm hại tình dục đi vào chung kết, bởi đánh giá cao ý nghĩa xã hội của dự án. Quán quân của cuộc thi với giải thưởng 4.000 USD Chung kết tại Hà Nội đã kết thúc chuỗi Hakathon 3 miền, chọn ra 5 đội thi xuất sắc, cùng các khu vực khác có mặt tại vòng chung kết, diễn ra ngày 15/8 sắp tới. Trước đó, các đội thắng giải tiếp tục tham gia chương trình đào tạo và ươm mầm cho dự án trong vòng 2 tháng. Quán quân cuộc thi sẽ nhận 10.000 USD, á quân 1 nhận 4.000 USD, á quân 2 nhận 2.000 USD. Ngoài cơ hội nhận các giải thưởng có tổng giá trị lên đến 40.000 USD, các đội tham gia giải hackathon này còn được kết nối dự án với các tập đoàn lớn, nhằm ươm mầm và thúc đẩy sự phát triển của dự án, tạo ra ảnh hưởng mang tính toàn cầu. Chuỗi hackathon diễn ra tại ba thành phố lớn TP HCM (28-30/6), Đà Nẵng (5-7/7) và Hà Nội (12-14/7) thu hút hơn 400 người (128 đội tham gia). Ban giám khảo cuộc thi gồm các chuyên gia đến từ công ty tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey & Company và các tổ chức về AI uy tín như VietAI, Vietnam Innovation Network (VIN), Panasonuc... Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Kambria cùng các đối tác VietAI, McKinsey, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Network) tổ chức. Phạm Vân Let's block ads! (Why?)Nguồn: VNExpress