Chủ nhật, 14/7/2019, 12:15 (GMT+7) 19 năm kể từ ngày rơi vào hôn mê, Terry Wallis tỉnh dậy và có thể nói chuyện. Không giống như trong phim ảnh, hôn mê là một tình trạng rất nghiêm trọng và kéo dài. Người hôn mê càng lâu thì xác suất tỉnh lại càng thấp. Tuy nhiên, vẫn có những bệnh nhân thức dậy sau nhiều năm trên giường bệnh. Tháng 7/1984, Terry Wallis, 19 tuổi và bạn mình gặp tai nạn xe hơi kinh hoàng khi xe lao xuống một con lạch. Người bạn tử vong, còn Wallis được tìm thấy vào ngày hôm sau trong tình trạng hôn mê. Gia đình chăm sóc nam bệnh nhân trong suốt 19 năm sau đó. Ngày 11/6/2003, Wallis bắt đầu nói chuyện. Từ đầu tiên ông phát ra là “mẹ” khi nhìn thấy mẹ mình. Từ tiếp theo là “Pepsi”, sau đó là “sữa” và cuối cùng ông có thể nói cả câu đầy đủ. Trí nhớ của Wallis vẫn tốt nhưng ông không nhận thức được nhiều năm đã trôi qua và khó chấp nhận rằng lúc mình tỉnh dậy đã là năm 2003. Wallis bị liệt vì vụ tai nạn nhưng có thể nói chuyện khá mạch lạc và đầy đủ. Các bác sĩ không chắc tại sao ông có thể thức dậy, họ tin rằng suốt 19 năm, não của Terry đã tự phục hồi và giúp ông tỉnh lại. Năm 1984, Sarah Scantlin 18 tuổi xinh đẹp, tự tin, có nhiều bạn bè và là đội trưởng nhóm nhảy trường đại học. Ngày 21/9/1984, khi ra khỏi quán bar ở Hutchinson, Kansas (Mỹ) và băng qua đường, một chiếc ô tô đã đâm vào Scantlin. Cô gái ngã ra đường và bị một chiếc xe khác chèn qua. Hộp sọ bị tổn thương nghiêm trọng, Scantlin rơi vào hôn mê. Suốt gần 20 năm, gia đình nữ bệnh nhân không bỏ cuộc mà kiên trì nhờ nhà trị ngôn ngữ giúp đỡ con gái. Ngày 12/1/2005, Scantlin nói được từ đầu tiên kể từ khi bị tai nạn. Khi nhà trị liệu ngôn ngữ hỏi liệu một bệnh nhân có thể ở cùng họ một lúc không, Scantlin nói “được”. Một tháng sau đó, nữ bệnh nhân khiến bố mẹ kinh ngạc khi lại được nghe giọng nói của con gái mình. Do chấn thương từ tai nạn và những năm hôn mê, cơ thể Sarah Scantlin đã bị ảnh hưởng nặng nề và phải phụ thuộc vào xe lăn. Bà chỉ có thể nói một vài từ một lúc nhưng có thể giao tiếp với mọi người. Tuy nhiên, Scantlin luôn nghĩ rằng mình mới 19 tuổi. Sarah Scantlin qua đời năm 2016. Năm 1988, khi đang làm việc trên đường ray, Jan Grzebski (Ba Lan) bị chấn thương đầu lúc cố gắng nối hai toa tàu. Theo nhiều bài báo, ông hôn mê trong 19 năm nhưng thực tế là 4 năm. Vợ Grzebski thường nhẹ nhàng di chuyển người chồng mỗi giờ để giúp ông không bị lở loét khi nằm quá lâu trên giường. Khi Grzebski tỉnh lại, thế giới hoàn toàn mới mẻ và ông đã có đến 11 đứa cháu. Bệnh nhân bị câm và liệt nhưng hoàn toàn ý thức được những gì đang diễn ra xung quanh. 11 năm kể từ ngày thức tỉnh, Grzebski có thể nói chuyện và học cách đi bộ. Gary Dockery 33 tuổi là một trong hai sĩ quan cảnh sát từ Walden, Sở Cảnh sát Tennessee, được điều tới vụ gây rối ngày 17/9/1988. Khi tiếp cận hiện trường, ông bị bắn một phát vào đầu. Dockery được đưa đến bệnh viện phẫu thuật song các bác sĩ không lấy viên đạn ra ngoài vì sợ gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Dockery rơi vào trạng thái thực vật hơn 7 năm. Ngày 11/2/1996, gia đình sĩ quan tranh cãi về việc có nên cho ông ra đi hay không. Đúng lúc này, Dockery cất tiếng nói. 18 tiếng tiếp theo, ông trò chuyện với gia đình mình, nhận ra các con trai mình, lúc đó đã 20 và 12 tuổi. Dockery nhớ được những thứ trong quá khứ nhưng không nhớ mình đã bị bắn và không nhận ra ngần ấy năm đã trôi qua. Sau khi tỉnh lại, Dockery nói ít hơn và học cách sử dụng xe lăn để di chuyển. Ông chết vì máu đông trong phổi ngày 15/4/1997. Fred Hersch là một nghệ sĩ piano jazz đương đại nổi tiếng. Ông chuyển đến New York vào năm 1977 khi 21 tuổi. Vào đầu những năm 90, Hersch công khai về việc mình bị AIDS. Năm 2008, căn bệnh hành hạ ông và khiến ông mắc chứng mất trí nhớ nhưng sau đó đã hồi phục. Tháng 6/2008, nồng độ oxy trong máu xuống rất thấp, Hersch bị sốc nhiễm trùng huyết. Khi các cơ quan trong cơ thể lần lượt không chống đỡ nổi, Hersch rơi vào trạng thái hôn mê trong suốt 2 tháng. Sau khi tỉnh lại, ông tiếp tục phải nhờ đến ống thông dạ dày để ăn uống trong 8 tháng. Mười tháng nằm liệt giường đã tàn phá hoàn toàn cơ thể và chức năng vận động của Hersch. Nhờ chăm chỉ thực hiện vật lý trị liệu và tiếp tục luyện tập piano, ông hồi phục một cách kỳ diệu. Năm 2010, Hersch đã biểu diễn trở lại. Điều thú vị là ông nhớ được 8 giấc mơ khi đang hôn mê và tạo nên buổi hòa nhạc “My Coma Dreams” dài 90 phút. Ngày 16/8/2009, Jarrett Carland 17 tuổi và bạn thân nhất của mình bị tai nạn xe hơi. Bạn Carland qua đời còn anh rơi vào trạng thái thực vật. Dù cơ may là rất nhỏ, gia đình vẫn kiên trì trị liệu cho Carland, cho anh nghe nhạc của huyền thoại nhạc đồng quê Charlie Daniels, đặc biệt là bài hát cổ điển sôi động “The Devil Went Down to Georgia”. Bốn tháng trôi qua, bài hát đặc biệt trên đã phát huy tác dụng, đưa Carland ra khỏi cơn hôn mê. Phương Dung (Theo Listverse) Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress