Siam Commercial Bank (SCB) - ngân hàng lớn nhất Thái Lan vừa thông báo quyết định rót vốn vào Go-Jek nhằm phát triển lĩnh vực thanh toán di động. Cả hai bên từ chối tiết lộ về giá trị khoản đầu tư. SCB cho biết sẽ hợp tác với GET - dịch vụ gọi xe của Go-Jek tại Thái Lan. Theo đó, nhà băng có thể tiếp cận và cung cấp dịch vụ tài chính cho tài xế và đối tác của ứng dụng này. Theo đó, tài xế GET sẽ có thể mở tài khoản SCB, chuyển và nhận tiền, đăng ký các khoản vay qua ứng dụng bằng hệ thống Easy Pay của nhà băng. "Hợp tác này sẽ giúp mở rộng tệp khách hàng của SCB thông qua ứng dụng GET, đem lại sự tiện lợi cho người dùng với trải nghiệm ngân hàng di động của SCB," Apiphan Charoenanusorn, Phó chủ tịch điều hành của SCB nói. Bà Apiphan Charoenanusorn, Phó chủ tịch điều hành của SCB. Theo thống kê, số người dùng ứng dụng GET tại Thái Lan tăng mạnh từ 200.000 (tháng 2/2019) lên hơn một triệu người, dựa trên số lượt tải. Các ngân hàng Thái Lan đang đẩy mạnh hợp tác với các công ty công nghệ, cung cấp các dịch vụ tài chính từ thanh toán online đến cho vay tiêu dùng. Cuộc chiến của Go-Jek với Grab đang ngày càng được hâm nóng thông qua các vòng gọi vốn. Trước đó vài tháng, Kasikornbank - nhà băng lớn khác của Thái Lan vừa đầu tư 50 triệu USD vào Grab, đối thủ lớn nhất của Go-Jek tại Đông Nam Á. Go-Jek đang tăng tốc mở rộng tại Đông Nam Á, đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức tài chính ở nhiều thị trường khác nhau. Vào tháng 11/2018, startup kỳ lân tuyên bố hợp tác với tập đoàn ngân hàng hàng đầu của Singapore, DBS Group Holdings. Trong vòng gọi vốn series F vào tháng 1 năm nay, Go-Jek đã huy động được hơn 1 tỷ USD từ các "ông lớn" Internet, gồm Google, JD.com, Tencent Holdings. Trong tuần này, Go-Jek cũng vừa nhận vốn từ Công ty Mitsubishi Motors của Nhật Bản, Mitsubishi Corp và Mitsubishi UFJ Hire & Finance. Trong khi đó, Grab cũng đang trong quá trình huy động thêm 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư vào cuối năm nay, trong đó rất có thể Tập đoàn SoftBank của tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son sẽ dẫn đầu với khoản đầu tư dự kiến là 500 triệu USD, theo Reuters đưa tin. Phong Vân (Theo Nikkei Asian Review) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress