Buổi Hackathon thứ hai thuộc chuỗi "Hackathon Vietnam AI Grand Challenge 2019" diễn ra vào 5-7/7 tại trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng). Chương trình tổ chức bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với Kambria cùng các đối tác Báo VnExpress, VietAI, McKinsey, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Network). Hội đồng giám khảo vòng thi tại khu vực miền Trung quy tụ các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ như ông Nguyễn Phong Sơn - Giám đốc chi nhánh Đà Nẵng của Tập đoàn Phát triển Phần mềm Orient Software - một trong những công ty gia công phần mềm quốc tế hàng đầu tại Việt Nam. Đồng thời ông Sơn đang là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Công nghệ Toyota thuộc Đại học Chicago. Ông Đặng Nam Hải - trưởng phòng kỹ thuật phát triển sản phẩm của Kambria and OhmniLabs, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc điều hành phát triển các sản phẩm đổi mới sáng tạo. Ông Nguyễn Tuấn Minh - Trưởng phòng Xử lý Ngôn ngữ Tự nhiên tại Công ty Defide - đơn vị phát triển chatbot thương mại tiếng Nhật. Trước đó, ông Minh là trưởng phòng kỹ thuật AI tại Panasonic R&D và Mobivi 1GC. Thành viên cuối cùng của hội đồng là ông Nguyễn Duy Anh - chuyên gia nghiên cứu AI trong lĩnh vực Deep Learning tại Cinnamon AI Lab (Nhật Bản), từng làm trợ lý tại phòng nghiên cứu về NeuralNetwork (RMIT, Đại học Sydney) và kỹ sư nghiên cứu cho eSilicon (Mỹ) trong lĩnh vực thống kê và Machine Learning. Hội đồng giám khảo nghe phần thuyết trình sản phẩm của các đội thi. Sự kiện thu hút 14 đội tham dự (70 thí sinh) đến từ thành phố Cần Thơ, Quy Nhơn, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế. Trong suốt 72 giờ, các đội tập trung lên ý tưởng và lập trình trợ lý ảo sử dụng công nghệ AI có tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực như công nghệ xe hơi, công nghiệp sản xuất, dịch vụ ngân hàng, khách sạn, bán lẻ... Vào ngày thi cuối, mỗi đội có hai buổi trình bày về sản phẩm trước hội đồng giám khảo. Dựa trên nội dung trình bày và sản phẩm thực tế mà các chuyên gia sẽ lựa chọn ra top 8 đội xuất sắc nhất vào vòng thuyết trình và trình diễn sản phẩm. Giải nhất cùng phần thưởng tiền mặt 4.000USD thuộc về đội Tech Fam gồm 5 thành viên Nguyễn Quốc Tuấn, Bạch Ngọc Sơn, Nguyễn Duy Thanh, Lê Trọng An, Phạm Hoàng Hùng từ công ty Ftech tạo ra trợ lý ảo mua sắm thông minh, hỗ trợ tìm kiếm phẩm theo nhu cầu, đề xuất các sản phẩm phù hợp với người dùng. Các tính năng nổi bật gồm có tự động phân tích dữ liệu, trích xuất trích xuất thông tin hữu ích về sản phẩm, tổng hợp từ các bài cảm nhận, đánh giá trải nghiệm để đưa ra thông tin chắt lọc, cụ thể và phù hợp với từng người dùng. Năm thành viên thuộc đội Tech Fam chiến thắng phần thưởng tiền mặt 4.000USD. Đội DTU CSE đến từ nhóm giải pháp phần mềm của Đại học Duy Tân đoạt giải nhì với sản phẩm chatbot phục vụ khách hàng trong các chuỗi bán lẻ. Giải ba thuộc về đội Father Life với ý tưởng xây dựng trợ lý ảo dựa trên nền tảng AI. Trợ lý nhận diện cảm xúc con người, so sánh và lưu trữ vào cơ sở dữ liệu, từ đó hướng dẫn các bài tập thể dục và đánh giá mức độ hoàn thành (số lần, tư thế) của người dùng thông qua camera có sẵn. Đồng giải ba là đội Hydra với trợ lý ảo chăm sóc sức khoẻ và tư vấn cho các bà mẹ chăm sóc trẻ em cũng như người già thông qua các dữ liệu tổng hợp từ y thư. Buổi Hackathon cuối cùng tại khu vực miền Bắc với 80 đội thi diễn ra trong ba ngày từ 12-14/7 tại Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. Các đội thắng cuộc ở 3 thành phố sẽ tiếp tục tham gia chương trình đào tạo và ươm mầm cho dự án trong vòng 2 tháng trước khi tham dự vòng Grand Finale, tổ chức vào ngày 15/8 tại Hà Nội, trong sự kiện Ngày hội Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam AI4VN. Tại vòng chung kết, quán quân cuộc thi sẽ nhận 10.000 USD, á quân 1 nhận 4.000 USD, á quân 2 nhận 2.000 USD. Ngoài cơ hội nhận các giải thưởng có tổng giá trị lên đến 40.000 USD, các đội tham gia còn được kết nối dự án với các tập đoàn lớn, nhằm thúc đẩy sự phát triển của dự án, tạo ra ảnh hưởng mang tính toàn cầu. Bốn đội Tech Fam, DTU CSE, Father Life và Hydra tiếp tục vào chung kết Hackathon Vietnam AI Grand Challenge. Cuộc thi năm nay mang chủ đề "Ultimate Virtual Assistant", với mục tiêu ứng dụng công nghệ AI trong các hoạt động hỗ trợ con người và doanh nghiệp, hướng tới bốn lĩnh vực gồm y tế và sức khoẻ, giáo dục, bán lẻ, vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Các đội thi xây dựng ứng dụng cụ thể nhằm hỗ trợ con người và doanh nghiệp trong các lĩnh vực, được phép sử dụng các công cụ, APIs và data có sẵn. Bên cạnh đó, các đội còn có thể sử dụng robot Ohmni do OhmniLabs phát triển để hỗ trợ hoàn thành bài thi. Bảo An Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress