Hàn Quốc đang tìm phương án trước lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ cao của Nhật Bản và mong muốn giải quyết bằng thỏa thuận ngoại giao. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm nay (8/7) đã cảnh báo Nhật Bản rằng các lệnh giới hạn xuất khẩu vật liệu công nghệ cao có thể đe dọa các nhà cung cấp chip bán dẫn và màn hình điện thoại thông minh trên toàn cầu. Ông cũng nhấn mạnh rằng Seoul chưa đưa ra biện pháp đối phó. Người biểu tình Hàn Quốc kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Ảnh: EPA "Những hạn chế thương mại gần đây của Nhật Bản làm dấy lên mối lo ngại dẫn đến gián đoạn sản xuất tại các công ty của chúng tôi, điều này sẽ đe dọa mạng lưới cung ứng trên toàn cầu", bình luận đầu tiên được Tổng thống Moon đưa ra ngày 4/7 sau khi Tokyo tuyên bố hạn chế xuất khẩu. Những căng thẳng trên không chỉ đặt ra mối lo ngại cho các công ty Hàn Quốc mà có thể ảnh hưởng với phạm vi cả thế giới. Ông Moon nói rằng các biện pháp ngoại giao sẽ hơn là các hành động ăn miếng trả miếng, vốn là điều không mong muốn cho cả hai nước. "Nhưng nếu thiệt hại xảy ra với các công ty Hàn Quốc, chính phủ sẽ buộc phải có những biện pháp đối phó", ông Moon tuyên bố. "Tôi không muốn điều này xảy ra và đề nghị Nhật Bản rút lại lệnh hạn chế xuất khẩu, cùng đàm phán chân thành với nhau. Tôi hi vọng Nhật Bản sẽ tuân thủ nguyên tắc thương mại tự do giữa hai bên". Cuối tuần trước, chính phủ Hàn Quốc và các doanh nghiệp hàng đầu nước này đã xúc tiến giải quyết căng thẳng. Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong đã tới Nhật Bản ngày 7/7 để thảo luận về lệnh kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao với các lãnh đạo địa phương, Yonhap báo cáo. Các vật liệu công nghệ cao bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế xuất khẩu mà Nhật Bản đưa ra bao gồm fluorine polyamide cần thiết để sản xuất màn hình OLED, chất cản quang (photoresist) dùng trong quá trình chế tạo chất bán dẫn. Tổng thống Moon sẽ gặp người đứng đầu 30 tập đoàn lớn của Hàn Quốc vào 10/7 để thảo luận về phương án đối phó với động thái của Nhật Bản. Đây được xem là nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ giữa hai nước. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, phủ nhận quyết định hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao có liên quan tới một loạt phán quyết của tòa án Hàn Quốc về việc yêu cầu Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng. Phong trào tẩy chay các sản phẩm của Nhật Bản đang gia tăng tại Hàn Quốc. Hashtag #BoycottJapan trở thành xu hướng tại đây với hơn 2.400 bài đăng liên quan trên Instagram. Nhiều người Hàn Quốc chia sẻ hình ảnh hủy chuyến bay đến Nhật Bản. Liên minh Siêu thị Hàn Quốc, một tổ chức đại diện cho hơn 23.000 điểm bán lẻ, cho biết sẽ tạm ngừng bán các sản phẩm của Nhật Bản. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Nhật Bản, trị giá 5,79 nghìn tỷ yen (53,4 tỷ USD) trong kim ngạch thương mại năm ngoái. Nhật Bản chiếm khoảng 90% lượng fluorinated polyamide trên toàn cầu, khoảng 70% gas ăn mòn, 90% chất cản quang, khiến các nhà sản xuất Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc tìm đối tác thay thế. Các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc có thể buộc phải xây dựng kho dự trữ nguyên liệu vì phụ thuộc nhiều vào Nhật Bản. Những gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc như Samsung, SK Hynix và LG Display đều có thể bị ảnh hưởng. Ngược lại, các công ty Nhật Bản bao gồm JSR, Tokyo Ohka Kogyo, Shin-Etsu Chemical, Showa Denko KK hay Kanto Denka Kogyo cũng chịu tác động. Bảo Anh (theo SCMP) Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ