Sự kiện Hackathon đầu tiên thuộc khuôn khổ chương trình "Hackathon Vietnam AI Grand Challenge 2019" đã diễn ra vào 28-30/6 tại trường cao đẳng FPT Polytechnic (TP HCM). Chương trình tổ chức bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với Kambria cùng các đối tác Báo VnExpress, VietAI, McKinsey, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Network). Hội đồng giám khảo vòng thi tại khu vực TP HCM quy tụ các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ. Cụ thể, ông Hà Vĩnh Duy - Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành công ty Worldline Technology, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ tiếp thị với 13 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tuấn Minh - Trưởng phòng Xử lý Ngôn ngữ Tự nhiên tại Công ty Defide - đơn vị phát triển chatbot thương mại tiếng Nhật. Trước đó, ông Minh là trưởng phòng kỹ thuật AI tại Panasonic R&D và Mobivi 1GC. Hội đồng giám khảo còn góp mặt ông Ngô Quốc Hưng - Trưởng phòng Trí tuệ Nhân tạo của AINovation. Ông Hưng cũng là giám đốc của chương trình phi lợi nhuận intelligence.edu.vn và trung tâm tài năng AI (CoTAI). Chuyên gia cuối cùng trong ban giám khảo là ông Đặng Nam Hải, hiện là Trưởng phòng kỹ thuật phát triển sản phẩm của dự án Kambria and OhmniLabs với hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc điều hành phát triển các sản phẩm đổi mới sáng tạo. Hội đồng giám khảo quy tụ các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, AI. Sự kiện thu hút 17 đội thi, bao gồm 68 thí sinh là các lập trình viên đến từ các trường đại học, công ty AI khu vực miền Nam. Trong ba ngày, các đội tập trung lên ý tưởng và lập trình trợ lý ảo sử dụng công nghệ AI có tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực như công nghệ xe hơi, công nghiệp sản xuất, dịch vụ ngân hàng, khách sạn, bán lẻ... Vào ngày thi cuối, mỗi đội có hai buổi trình bày về sản phẩm trước hội đồng giám khảo. Dựa trên nội dung trình bày và sản phẩm thực tế mà các chuyên gia sẽ lựa chọn ra top 8 đội xuất sắc nhất vào vòng thuyết trình và trình diễn sản phẩm. Tuy nhiên, khu vực TP HCM không có đội giành giải nhất, do các sản phẩm lập trình chưa đáp ứng trọn vẹn bốn tiêu chí là giá trị kinh doanh, tính sáng tạo, yếu tố gây ấn tượng và năng lực ứng dụng thực tiễn. Giải nhì trao cho đội Tobtob gồm hai thành viên Nguyễn Lưu Ngọc và Lương Thị Thùy Trang. Cả hai đang là lập trình viên tại Singapore. Sản phẩm của nhóm là chatbot gọi món ăn, thức uống trong các nhà hàng, khách sạn. Chatbot này có hỗ trợ tương tác với thực khách thông qua giọng nói và hình ảnh, đối đáp các câu hội thoại phức tạp. Người sử dụng có thể đặt đồ ăn thông qua thao tác gõ chữ, trò chuyện hoặc chỉ vào menu để bot tự xác định vị trí ngón tay. Sản phẩm ứng dụng nên AI còn có thể đổi món trong quá trình đặt hàng. Trong tương lai, Tobtob cố gắng tăng thêm linh hoạt của chatbot, đồng thời tìm giải pháp tích hợp vào robot Ohmnilabs, tạo nên robot gọi món. Nguyễn Lưu Ngọc - đội Tobtob thuyết trình với hội đồng chuyên gia về trợ lý ảo giúp gọi món trong nhà hàng, khách sạn. "Robot này không chỉ giảm bớt những khó khăn trong việc tuyển dụng, đào tạo nhân viên cho nhà hàng, khách sạn mà còn là một điểm nhấn thú vị để thu hút thực khách", thí sinh Lương Thùy Trang chia sẻ. Hai giải ba thuộc về đội Baby Shark với dự án bot chẩn đoán bệnh thông qua hình ảnh và đội Code For Food với sản phẩm phục vụ tại nhà hàng có chức năng đặt thức ăn nước, nước uống. Ba đội thắng cuộc sẽ đi tiếp vào vòng chung kết diễn ra trong ngày hội Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam AI4VN tại Hà Nội vào ngày 15-16/8. Bên cạnh đó, chương trình Hackathon khu vực miền Trung sẽ tổ chức tại Đại học Duy Tân, Đà Nẵng từ 5-7/7 với 30 đội thi. Khu vực miền Bắc với 80 đội thi sẽ tranh tài trong ba ngày từ 12-14/7 tại Đại học Bách Khoa, Hà Nội. Tobtob, Baby Shark và Code For Food cùng vào chung kết Hackathon Vietnam AI Grand Challenge. Cuộc thi năm nay mang chủ đề "Ultimate Virtual Assistant", với mục tiêu ứng dụng công nghệ AI trong các hoạt động hỗ trợ con người và doanh nghiệp, hướng tới bốn lĩnh vực gồm y tế và sức khoẻ; giáo dục; bán lẻ; vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Các đội thi xây dựng ứng dụng cụ thể nhằm hỗ trợ con người và doanh nghiệp trong các lĩnh vực, được phép sử dụng các công cụ, APIs và data có sẵn. Bên cạnh đó, các đội còn có thể sử dụng robot Ohmni do OhmniLabs phát triển để hỗ trợ hoàn thành bài thi. Bảo An Let's block ads! (Why?)Nguồn: VNExpress