Châu Âu đang phải hứng chịu đợt nóng kỷ lục, tuy nhiên, tại một số khu vực trên thế giới, nhiệt độ này là chuyện “như cơm bữa” với người dân. Thung lũng Tử Thần, California, Mỹ: Đây là nơi đang giữ kỷ lục về nhiệt độ không khí nóng nhất từng được ghi nhận, với con số lên tới 56,7 độ C vào mùa hè năm 1913, chạm đến giới hạn sống sót của con người. Nhiệt độ trung bình ở đây khoảng 47 độ C vào mùa hè. Địa điểm này cũng là nơi khô hạn nhất nước Mỹ. Khoảng 300 người sống tại khu vực này. Tuy nhiên, lượng người chuyển đi ngày càng tăng. Thung lũng Tử Thần là điểm du lịch hút khách nhờ cảnh quan biến đổi kỳ ảo và những màn “hồi sinh” bất ngờ của cỏ cây khi có mưa. (Ảnh: Sunset Magazine). Aziziyah, Libya: Thủ phủ cũ của quận Jafara từng được ghi nhận là nơi nóng nhất trái đất với nhiệt độ 58 độ C vào năm 1922. Tuy nhiên, danh hiệu này bị thu hồi vào năm 2012, khi các nhà khí tượng học tuyên bố rằng kết quả đo đạc này không chuẩn xác vì nhiều lý do. Hiện tại, thị trấn có hơn 20.000 dân này vẫn thường xuyên hứng chịu nền nhiệt hơn 48 độ C trong mùa hè. (Ảnh: Atlas & Boots). Dallol, Ethiopia: Vùng thủy nhiệt này có các mỏ muối, suối nước nóng chứa axit và suối phun, với nhiệt trung bình hàng ngày là 41 độ C, mức nhiệt cao nhất trong các vùng có người sinh sống trên trái đất. Trái với tưởng tượng, toàn vùng có tới hơn 83.000 người sinh sống. Ngành khai thác mỏ ở đây rất phát triển. (Ảnh: Detayphoto). Wadi Halfa, Sudan: Thành phố nóng nực này nằm bên bờ hồ Nubia, gần như không có mưa suốt năm. Tháng 6 là tháng nóng nhất ở đây với nhiệt độ trung bình 41 độ C, có thể lên tới 53 độ C. (Ảnh: Hanming_huang). Tirat Zvi, Israel: Nhiệt độ kỷ lục ở đây lên tới 53-54 độ C và nền nhiệt trung bình một năm là 37 độ C. Khu dân cư này có nhiều công trình tôn giáo ấn tượng và nền văn hóa đặc sắc. (Ảnh: Fineartamerica). Timbuktu, Mali: Thành phố nằm ở rìa phía nam của Sahara này còn nóng hơn vào mùa đông, với nhiệt độ trung bình là 30 độ C vào tháng 1. Nhiệt độ cao nhất được ghi nhận ở đây là 49 độ C. (Ảnh: Frank Janssens). Kebili, Tunisia: Thị trấn sa mạc này nổi tiếng với chà là chất lượng cao, loại cây chịu được nhiệt độ trung bình 40 độ C vào mùa hè. Nhiệt độ cao nhất được ghi nhận được ở đây lên tới 55 độ C. (Ảnh: Insight Guides). Ghadames, Libya: Ốc đảo giữa sa mạc này giờ là Di sản thế giới UNESCO nhờ những căn nhà đắp từ bùn, kiến trúc bảo vệ 7.000 cư dân ở đây khỏi cái nóng bỏng rát. Được coi là “ngọc trai sa mạc”, nhiệt độ trung bình ở Ghadames là 40 độ C, cao nhất có thể lên tới 55 độ C. (Ảnh: Road Affair). Bandar-e Mahshahr, Iran: Thành phố này không chỉ có nhiệt độ cao mà còn đi kèm với độ ẩm báo động, khiến không khí ngột ngạt và nóng nực. Nhiệt độ cao kỷ lục ở đây lên tới 51 độ C. (Ảnh: Strange Sound). Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV