Nhật thực toàn phần đi qua khu vực phía nam Thái Bình Dương, miền trung Chile và miền trung Argentina, Việt Nam không quan sát được. Đồ họa: Next. Trong tháng 7, người yêu thiên văn chờ đón nhiều hiện tượng thiên văn kỳ thú, trong đó có nhật thực toàn phần duy nhất trong năm diễn ra vào ngày mai (2/7). Nhật thực toàn phần sẽ đi qua khu vực phía nam Thái Bình Dương, miền trung Chile và miền trung Argentina. Nhật thực một phần cũng xuất hiện ở các khu vực phía nam Thái Bình Dương và phía tây Nam Mỹ. Việt Nam không quan sát được hiện tượng nhật thực lần này. Đến ngày 9/7, Sao Thổ sẽ ở vị trí xung đối. Thời điểm này Sao Thổ sẽ sáng nhất trong năm và hiện diện suốt đêm dài do hành tinh này tiến đến vị trí gần Trái Đất nhất và bề mặt của nó sẽ phản xạ tối đa ánh sáng từ Mặt Trời về phía Trái Đất. Đây là thời gian tốt nhất để quan sát, chụp ảnh Sao Thổ và các vệ tinh của nó bằng kính thiên văn. Vào ngày 17/7 sẽ có nguyệt thực một phần. Nguyệt thực sẽ hiện diện ở hầu hết khu vực phía châu Âu, châu Phi, vùng trung tâm châu Á, và Ấn Độ Dương. Việt Nam có thể quan sát được nguyệt thực lần này từ 01h43, nguyệt thực đạt cực đại lúc 04h30. Hiện tượng thiên văn tháng 7 khép lại bằng trận mưa sao băng Bảo Bình δ (Delta Aquarid) với khoảng 20 vệt một giờ tại cực đỉnh vào đêm 29, rạng sáng 30/7. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Aquarius (Bảo Bình), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời. Thời gian quan sát tốt nhất sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Hải Minh Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress