Sau mẫu vật rùa Hồ Gươm, các nhà khoa học Việt đã làm chủ công nghệ nhựa hóa, đến cuối 2019 sẽ làm trên mẫu tê tê, kỳ đà, trăn. Công nghệ nhựa hóa được các chuyên gia Đức và Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) áp dụng khi làm mẫu vật rùa Hồ Gươm, bàn giao cho Hà Nội ngày 16/3. "Sau khi thực hiện mẫu vật rùa Hồ Gươm, công nghệ này đã được các nhà khoa học Việt Nam làm chủ hoàn toàn và có thể áp dụng trên nhiều mẫu vật khác", TS Phan Kế Long, Phó tổng Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam cho biết. Hiện các nhà khoa học đang thử nghiệm trên nhiều mẫu vật tê tê, kỳ đà, trăn, hoàn thiện vào cuối năm 2019. Đây là công nghệ mới nên nhóm nghiên cứu thử nghiệm để có thể chế tác nhiều mẫu sinh động phục vụ cho trưng bày. Hai chuyên gia người Đức Macro Fischer (Bảo tàng Erfurt) và Jurgen Fiebig (Bảo tàng Berlin) chế tác mẫu vật rùa Hồ Gươm. Ảnh: VAST. Công nghệ nhựa hóa cho phép giữ được mẫu vật đúng trạng thái cơ thể trong tự nhiên bằng cách thay thế toàn bộ mô tế bào bằng dung dịch nhựa polyme. Tức là khi mẫu vật cần nhựa hóa, nước và mỡ hòa tan trong tế bào sẽ được hút hết để thay vào đó là loại nhựa đặc biệt thẩm thấu qua các tế bào giúp giữ được nguyên hình dáng cấu trúc. Các bước hoàn thiện mẫu, vi chỉnh (mắt, màu sắc da... ) sau đó cũng được thực hiện nhằm đảm bảo mẫu vật giống như khi còn sống ngoài tự nhiên. Công nghệ này giúp giữ được nguyên vẹn mẫu vật (cả phần xương, sụn), không để lại mùi và có độ bền cao. Với mẫu vật rùa Hồ Gươm các chuyên gia của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, chuyên gia quốc tế đã thực hiện công việc chế tác trong 2 năm (2016-2018). Mẫu vật được yêu cầu giữ nguyên kích thước tự nhiên cũng như xương cốt bên trong cơ thể (chiều dài 2,08 m, rộng 1,08 m, nặng 169kg, thuộc mẫu vật lớn nhất được bảo quản từ trước đến nay). TS Phan Kế Long cho biết, đây là công nghệ tạo mẫu vật tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới, từng được áp dụng với các mẫu vật trưng bày tại Bảo tàng Berlin và Bảo tàng tự nhiên London. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress