Bé trai một tuổi ở Hải Dương nằm li bì, hai mắt sưng húp, mặt đỏ ửng, bên cạnh là hệ thống máy móc đo chỉ số sinh tồn. Bé nằm trong phòng 304, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương. Chỉ 2 tuần nữa là sinh nhật một tuổi, nhưng bé đang li bì bởi biến chứng suy hô hấp nặng do sởi, trên nền viêm phổi, thể trạng yếu. Bé có dấu hiệu sởi từ 2 hôm trước, diễn tiến bệnh rất nhanh. Hôm 27/6, bé đã suy hô hấp nặng, nên được chuyển lên đơn nguyên 3, nơi chủ yếu điều trị cho các bệnh nhi nặng, thở máy và dùng thuốc tăng cường miễn dịch, hiện tiên lượng nặng. Hà Nội đang trong những ngày nhiệt độ luôn trên 37 độ C, nắng gắt, khiến việc chăm sóc bệnh nhi vất vả thêm bội phần. Quấy khóc không ngừng trên tay mẹ, bé gái 8 tháng tuổi ở Hà Nội cũng mắc sởi. Tuần trước, khi thấy con sốt 39,5 độ C, phát ban, gia đình nghĩ bé sốt nóng thông thường, chỉ cho uống hạ sốt tại nhà. Ngày thứ 4 sau sốt, khi nốt ban lan dần lên mặt, bé hay giật mình, quấy khóc, bú kém, gia đình mới đưa con đi viện và được xác định sởi. Khi nhập viện Nhi Trung ương, bé đã có biến chứng viêm phổi. Bé là một trong nhiều bệnh nhi nằm tại Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, chưa được tiêm phòng vắcxin sởi. Các bé đều được cách ly ở phòng riêng. Bệnh nhi một tuổi bị suy hô hấp nặng do biến chứng sởi. Ảnh: Võ Thu. Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, đang điều trị nội trú cho khoảng 40 bệnh nhi sởi có biến chứng chủ yếu là viêm phổi, viêm phế quản. Đây đều là bệnh nhân nặng, có biến chứng cần theo dõi sát bởi nhân viên y tế. Thực tế, số khám phát hiện sởi ở Trung tâm và trên toàn viện Nhi còn cao hơn rất nhiều, do được phân loại cho điều trị ngoại trú. Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết từ đầu năm đến nay, Trung tâm tiếp nhận, điều trị khoảng hơn 900 bệnh nhi sởi, lúc cao điểm có tới 50-60 bệnh nhi sởi. Khác với các năm trước, sởi thường mắc vào dịp đông - xuân, đến khi nắng lên, virus thường hết. Năm nay, mùa nào Trung tâm cũng tiếp nhận bệnh nhân sởi. Hầu hết bệnh nhi mắc sởi tại đây đều chưa được tiêm phòng vắcxin sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi. Một số bé chưa đến tuổi tiêm (9 tháng) đã mắc bệnh. Đặc biệt có ca chỉ mới 3 tháng tuổi đã mắc sởi có biến chứng viêm phổi phải thở oxy. 6 tháng đầu năm, Hà Nội có hơn 1.500 ca mắc sởi, tăng gấp gần 8 lần cùng kỳ 2018. Bệnh nhân phân bố tại 100% quận, huyện. Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Dấu hiệu bệnh là sốt, viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Khi bị sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ gặp các biến chứng. Dấu hiệu điển hình của giai đoạn toàn phát bao gồm nổi ban sẩn, mịn như nhung. Ban xuất hiện theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay chân và biến mất theo thứ tự đã mọc. Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắcxin phòng bệnh. Đối với trẻ 9 tháng tuổi tiêm mũi 1 thì hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ tăng lên thành 95%. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ. Đây cũng là cách để phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Lê Nga Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress