Sheryl Sandberg, Giám đốc điều hành Facebook, cho biết khi một thông tin được xác định giả mạo, mức độ hiển thị của nó trên News Feed sẽ giảm 80%. Chia sẻ trong sự kiện International Press Day ngày 12/6 tại trụ sở Facebook (Mỹ), bà Sandberg cho biết Facebook đang triển khai công cụ đánh giá độ chính xác của các thông tin (fact-checker) được chia sẻ lên mạng xã hội tại các nước. "Facebook là nền tảng tự do và nếu ai đó nói điều gì sai trái, cách duy nhất chống lại là chia sẻ thông tin đúng", COO Facebook khẳng định. "Với các tin được xác định giả mạo, chúng tôi giảm 80% tỷ lệ phát tán của chúng và hiển thị các số liệu liên quan". Tình trạng sai lệch thông tin trên Facebook xảy ra một phần do cơ chế nội dung nào càng được chia sẻ và bình luận nhiều thì càng được ưu tiên hiển thị trên News Feed. Do đó, các tin thất thiệt, câu khách, mang tính giật gân lại lan truyền nhanh hơn so với nội dung bình thường mà người sử dụng chia sẻ. Hồi tháng 3, trên mạng xã hội xuất hiện một video đã bị chỉnh sửa, khiến Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi như đang phát biểu trong tình trạng say rượu. Dù gây tranh cãi và thu hút hàng triệu lượt xem, Facebook không xoá nội dung này, nhưng hạn chế mức độ lan truyền của video trên News Feed. Tuần trước, một video khác giả danh CEO Facebook Mark Zuckerberg nói về việc "bất cứ ai kiểm soát dữ liệu cũng có thể kiểm soát tương lai" bị phát tán trên nền tảng Instagram. Facebook cũng không loại bỏ mà chỉ giảm tần suất hiển thị video. Bà Sandberg giải thích: "Trong những tình huống, khi một thông tin giả mạo có thể dẫn đến bạo lực trong thế giới thực, chúng tôi sẽ gỡ nó xuống". Sheryl Sandberg, COO Facebook. Với hơn một tỷ nội dung được chia sẻ mỗi ngày trên mạng xã hội, công cụ kiểm duyệt không thể theo dõi mọi thông tin. Bà Sandberg thừa nhận: "Trong một cộng đồng 2,7 tỷ người dùng, chúng ta chứng kiến những điều tuyệt vời, nhưng cũng thấy những điều tồi tệ. Chúng tôi đang tập trung làm những gì có thể để ngăn chặn cái xấu, đầu tư hàng tỷ USD vào an ninh và bảo mật, đồng thời hợp tác chặt chẽ với chính phủ các nước trên toàn thế giới để bảo vệ các cuộc bầu cử. Chúng tôi cũng phối hợp với các nhóm sản phẩm và các công ty các để tìm kiếm và loại bỏ kẻ xấu, dù không thể loại bỏ tất cả". Tin giả trở thành tâm điểm trên Facebook từ cách đây hai năm sau khi có những bằng chứng cho thấy các tài khoản có xuất xứ từ Nga đã mua hàng nghìn quảng cáo nhằm "khuếch đại" các thông điệp chia rẽ chính trị trong cuộc bầu cử Mỹ. Facebook cho biết đã tuyển hàng nghìn người cũng như triển khai các công cụ AI để lọc nội dung trên Facebook. Tuy nhiên, việc xuất hiện những video như hình ảnh của bà Nancy Pelosi bị bóp méo cho thấy vấn nạn tin giả rất khó xử lý, nhất là với sự phổ biến của trí tuệ nhân tạo đang tạo ra xu hướng "deep fake" - tình trạng video bị can thiệp, làm sai lệch bằng những công nghệ mới như AI và lan truyền trên Internet, làm mờ đi ranh giới giữa sự thật và dối trá. Đối phó với tin thất thiệt không dễ dàng, nhưng quan trọng là Facebook cần hành động quyết liệt hơn nếu không thương hiệu của họ sẽ bị hủy hoại và lòng tin của người dùng với mạng xã hội sẽ giảm sút. Ngày 11/6, hãng nghiên cứu thị trường Ipsos công bố kết quả khảo sát về niềm tin và sự an toàn trên Internet với sự tham gia của hơn 25.000 người tại hơn 20 quốc gia và vùng lãng thổ. 86% những người được hỏi khẳng định họ từng ít nhất một lần bị đánh lừa bởi tin giả mạo, và chỉ 14% nói chưa bao giờ bị sập bẫy trước "tin vịt". Facebook là nguồn phát tán tin giả phổ biến nhất khi 77% nói bắt gặp tin giả xuất hiện trên mạng xã hội này, tiếp đến là 62% trên Twitter. Khoảng 9% người dùng Facebook cho biết đã đóng tài khoản trong năm qua vì những hậu quả của tin giả. Khảo sát cũng cảnh báo sự giảm sút niềm tin của người dùng Internet đối với các công ty quản lý mạng xã hội và mong muốn chính phủ cũng như các công ty quản lý mạng xã hội có biện pháp ngăn chặn tình trạng tin giả tràn lan. Châu An Let's block ads! (Why?)Theo Trang Công Nghệ