Là một nghệ sỹ lớn, cái thế của chị có thể trở thành huấn luyện viên. Tại sao Phương Thanh cứ phải là thí sinh trong các chương trình truyền hình thực tế? Tôi là thành phần cá biệt, cực kỳ ham vui và thích quậy hết mình, chỉ cần ngồi yên 30 phút là tôi đã cảm thấy mệt. Còn vị trí giám khảo, thì phải ngồi yên trong một chỗ trong suốt thời gian dài, nên chắc nó không hợp với tôi. Dù trước đó đã từng có lời mời tôi làm giám khảo của một chương trình truyền hình thực tế. Hai mươi năm trong nghề, từng hợp tác làm chương trình với nhiều đạo diễn nên tôi biết khá rõ kết cấu của các chương trình. Sau Bước nhảy hoàn vũ tôi từng tuyên bố sẽ không tham gia bất cứ chương trình nào nữa. Vì mình chơi vui nhưng người khác không có vui nên thôi. Còn tham gia Gương mặt thân quen thì tôi đã xác định mình sẽ đóng vai thí sinh cá biệt, tha hồ quậy kể cả tôi giả không đúng nhân vật cũng chẳng sao. Miễn là khán giả cảm thấy vui là được còn chuyện làm thí sinh hay giám khảo tôi chẳng quan tâm. Phương Thanh tự thấy mình phù hợp với vai trò thí sinh hơn giám khảo Vậy chị chấp nhận làm nền cho đàn em trong chương trình Gương mặt thân quen sao? Tôi đi thi để lấy niềm vui chứ không phải lấy tên. Trong Gương mặt thân quen, tôi đóng vai thí sinh đi thi để tăng sự kịch tính cho chương trình. Nên hình ảnh của tôi đâu có ảnh huởng gì đâu mà phải sợ. Đặc biệt, khi chấp nhận tham gia chương trình này, tôi và các thí sinh đã thỏa thuận sẽ dành phân nữa số tiền 900 triệu, giải thưởng trong các đêm thi để làm từ thiện. Vì cá nhân chúng tôi, trong 10 tuần thì khó mà có được số tiền mấy trăm triệu như thế để giúp người nghèo. Vì vậy, chúng tôi đi thi với tâm lý rất thoải mái, không có sự tranh đua khắc nghiệt, ai chiến thắng thì cả hội cũng vui, chứ không có hơn thua như các chương trình khác đang xảy ra. Nhìn vào bốn vị huấn luyện viên của The Voice năm nay. Theo chị có sự một màu và hàn lâm quá không? Theo tôi một gameshow nếu muốn thuyết phục thì cần có bốn khía cạnh khác nhau, phải có dàn rock, dàn thị trường, dàn giải trí và dàn hàn lâm thì mới tạo nên sự cạnh tranh và đa dạng màu sắc cho chương trình. Bên cạnh đó, thí sinh cũng sẽ có nhiều sự lựa chọn để phù hợp với khả năng của mình. Nếu hàn lâm quá hoặc giải trí quá thì người ta sẽ không thích xem, phải để ông hàn lâm tranh luận cùng ông giải trí thì mới tăng sự kịch tính, đó là nguyên tắc. Phương Thanh Là nghệ sỹ có tên tuổi, chị có cảm thấy chạnh lòng khi thế hệ ca sĩ trẻ bây giờ cát-sê đã lên đến vài trăm triệu cho một show diễn? Tôi nói thật nhé, bây giờ ai cũng phải “nổ” để PR giá trị của mình, chứ chi phí cho từng ca sĩ là đều bí mật chỉ có bầu show và ca sĩ đó biết. Tuy nhiên, giá trị thực nó không nằm ở việc già hay trẻ, xấu hay đẹp mà là em nào ăn khách thì em đó được. Nếu có thời điểm ăn khách cũng sẽ có thời điểm ế khách và giá trị nó cũng thay đổi, không có sự tồn tại lâu dài. Vì vậy, đẳng cấp nó không nằm ở chỗ cát-sê cao hay thấp mà nó nằm ở việc bạn có duy trì được giá trị của mình trong khoảng 10 năm hay 20 năm không? Đó mới là điều quan trọng. Hiện tại, tôi thấy ai cũng nói mình mấy trăm triệu, nhưng đến khi đóng thuế thì thấp lè tè. Cục thuế dí là chạy ngay, lặng mất tăm.(Cười) Cho nên, nổ là một chuyện còn thực tế là chuyện khác. Nếu là một ngôi sao muốn tồn tại lâu trong lòng công chúng thì phải có cái giá nhất định và cố định với bầu show, phải biết ‘nhường cơm xẻ áo’ cho nhau thì mới đi đường dài. Tôi thì vẫn cứ sống đúng với giá trị của mình. Ca sĩ bây giờ nhiều người thích nổ để nâng giá trị bản thân Vậy theo chị đâu mới là giá trị thực? Hãy lấy giá mà ca sĩ được nhận trong một chương trình bán vé thì đó mới là giá trị thật. Chứ lấy giá event hay giá hát đám cưới, đám hỏi ra mà so sánh thì sao thấy được giá trị của người nghệ sỹ. Vì có người nổi tiếng nhưng người ta đâu bao giờ hát đám cưới. Vì vậy, chương trình ca nhạc bán vé nào có bạn xuất hiện mà bán được nhiều vé thì mới chứng minh được đẳng cấp và giá trị. Chứ hát đám cưới thì nhà giàu nó thuê để lấy tiếng thì bao nhiêu họ không chi. Ngoài đời Phương Thanh là một người sôi động, nhưng khi lên sân khấu mặc dù đã cháy hết mình nhưng dạo này khán giả vẫn cảm thấy còn thiếu một cái gì đó. Chị có thấy vậy không? Nghệ thuật là không để bị bắt bài, nếu khi mình lên sân khấu mà khán giả biết hôm nay mình hát gì sẽ không còn thú vị và khó mà tồn tại được trong showbiz. Tôi thích đánh lừa cảm xúc của khán giả. Có thể hôm nay bạn thấy tôi mặc áo dài nhưng lại hát rock, nên khi tôi hát nhạc buồn thì khán giả vẫn cảm thấy bất ngờ. Thêm vào đó, người nghệ sỹ khi lên sân khấu cũng phải tùy hứng, chẳng lẽ khi tôi buồn thì sao bắt tôi cháy hết mình, sôi động được. Nghệ sỹ muốn tồn tại thì không để bị bắt bài Trong vụ việc với Đàm Vĩnh Hưng, chị đã cố chấp quá chăng khi anh Hưng có vẻ muốn làm hòa nhưng chị cứ cương quyết từ chối? Kệ người ta, tôi không quan tâm. Có thể người ta khéo quá muốn lấp đầy về mặt hình thức, còn tôi thì rõ ràng trước sau như một không là không. Còn người ngoài nhìn vào thì chỉ thấy bề nổi của sự việc, chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ nhất. Mà thôi, tôi cũng không muốn nhắc nhiều đến chuyện này, cho nó qua đi. (Cười) Trong thời gian tới chị có điều gì bất ngờ cho khán giả không? Đầu tháng 5 tôi sẽ ra một CD với ca khúc chủ đề “Người đàn bà lúc nửa đêm” với hình ảnh liêu trai cực kỳ hấp dẫn. Mọi người sẽ bất ngờ với hình ảnh của tôi cho mà xem. Tính tôi là vậy đó, phải làm cái gì đó khác lạ để giữ cái tên của mình trong lòng khán giả. Thời của chúng tôi không dùng mọi cách để được nổi tiếng. Scandal của chúng tôi như “ Nữ ca sĩ lần đầu tiên tổ chức live show ở sân vận động, hoặc hi sinh mái tóc vì nghệ thuật…”, chứ không lôi chuyện riêng tư lên mặt báo. Tôi chỉ thấy tiếc cho con đường mà Angela Phương Trinh đang đi, em ấy đẹp quá. Như vậy với em ấy chắc là đã thành công. (Cười). Theo NCĐT