Cụ ông 71 tuổi ngã bất tỉnh ngay cửa bệnh viện

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Jun 12, 2019.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 115)

    Vừa vào đến sảnh bệnh viện, cụ ông ngã lăn bất tỉnh, ngừng thở. Bác sĩ phát lệnh báo động cấp, giành lại tính mạng ông sau 4 phút.


    Hơn 10 ngày trước, cụ ông đang chơi với cháu thì đột ngột ngất rồi tỉnh lại, có dấu hiệu đau sau xương ức, khó thở. Sau đó vài giờ ông lại có cảm giác đau ngực và khó thở nên đi khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn. Vừa đến sảnh bệnh viện, ông đột ngột ngã.

    Bệnh viện phát tín hiệu báo động Code Blue. Các y bác sĩ có mặt trong vòng một phút. Người bệnh trong tình trạng ngưng tim ngưng thở hoàn toàn và có nguy cơ chết não nếu không được cấp cứu kịp thời trong vòng 4 phút. Các bác sĩ nhanh chóng hồi sức tim phổi, thực hiện sốc điện khi màn hình theo dõi ghi nhận có tình trạng rung thất đe dọa tính mạng. Sau khoảng 2 phút, người bệnh đã tái lập được nhịp tim.

    Nguyên nhân gây nên tình trạng của người bệnh là nhồi máu cơ tim cấp. Cụ ông được đưa vào phòng thông tim theo quy trình STEMI để chụp và can thiệp động mạch vành cấp cứu sau khi được sự đồng ý rất nhanh chóng của thân nhân.

    Kết quả chụp mạch vành cho thấy đoạn giữa nhánh liên thất trước bị tắc cấp hoàn toàn. Ê kíp đã hút cục máu đông và đặt một stent phủ thuốc vào nhánh động mạch tắc.

    [​IMG]

    Bác sĩ Nguyên thăm khám cho cụ ông. Ảnh: Kiều Oanh.

    Bác sĩ Nguyễn Thanh Nhân, Khoa Tim mạch - Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết rung thất trên bệnh nhân này là biến chứng rối loạn nhịp nguy hiểm nhất trong nhồi máu cơ tim cấp, có thể dẫn đến tử vong lập tức nếu không được cấp cứu kịp thời.

    "Việc tiếp cận và xử lý nhanh chóng trong vòng dưới 60 phút - thời gian vàng đối với người bệnh nhồi máu cơ tim đã giúp bệnh nhân tránh được tử vong", bác sĩ Nhân phân tích. Hiện sức khỏe người bệnh phục hồi tốt.

    Thế giới mỗi năm có 2,5 triệu người chết do bệnh nhồi máu cơ tim. Có tới 25% người bệnh nhồi máu cơ tim bị tử vong trước khi được cấp cứu. Các trường hợp còn lại có thể gặp những biến chứng nghiêm trọng như vỡ tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim tái phát, suy tim...

    Cần cảnh giác khi đau ngực trái, đau sau xương ức hay đau thượng vị, kéo dài trên 5 phút, có thể lan lên vùng cổ hoặc hàm, đau vai hoặc cánh tay đau kèm, hồi hộp, khó thở, đổ mồ hôi, đau tăng khi vận động, buồn nôn và nôn, mệt mỏi hoặc ngất... Đến bệnh viện sớm nhất có thể để được xử trí kịp thời.

    Bác sĩ Nhân khuyến cáo, bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch hay thuộc nhóm nguy cơ tim mạch cao như những người hút thuốc, béo phì, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm... nên thăm khám thường xuyên. Tầm soát bệnh tim mạch để phát hiện sớm, điều trị và phòng ngừa các nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim, ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm.

    Để phòng bệnh, cần ăn nhiều rau, trái cây, hạn chế đồ chiên xào, đồ nướng, thịt đỏ, nước có ga... Nên ăn ít muối và hạn chế đường. Tránh các chất kích thích như trà đặc, rượu bia, cà phê, thuốc lá hoặc các loại thuốc không được bác sĩ chỉ định. Tăng cường vận động, tập thói quen 30 phút đi bộ mỗi ngày.

    Code Blue là mô hình cấp cứu nội viện được Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn thiết lập nhằm cấp cứu kịp thời những trường hợp ngưng tim, ngưng thở trong viện bằng hệ thống phản ứng nhanh, hồi sức tim phổi chuẩn, sớm và khử rung sớm...STEMI là mô hình tiếp cận và can thiệp người bệnh nhồi máu cơ tim cấp, giúp rút ngắn thời gian tổn thương cơ tim, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và các biến chứng.

    Lê Phương


    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Cụ ông 71 tuổi ngã bất tỉnh ngay cửa bệnh viện

Share This Page