Quần thể rùa mai mềm Bostami tăng trưởng ổn định tại ngôi đền Hayagriva Madhav và được giới thiệu trở lại môi trường tự nhiên. Rùa Bostami được nuôi tại đền Hayagriva Madhav. Ảnh: AFP. Rùa Bostami, loài được công bố tuyệt chủng ngoài tự nhiên từ năm 2002, đang dần hồi sinh nhờ chương trình nhân giống tại một ngôi đền ở bang Assam, phía đông bắc Ấn Độ. Loài rùa mai mềm này từng phân bố rộng khắp Assam, tuy nhiên, việc đánh bắt quá mức làm thực phẩm và mất môi trường sống đã đẩy quần thể loài đến bờ vực tuyệt chủng. Đền Hayagriva Madhav, nằm ở trung tâm hành hương Hajo, trong hàng thế kỷ qua đã cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho rùa Bostami. Nhờ sự linh thiêng của đền thờ, rùa ở đây không bị đánh bắt. Chúng còn được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt bởi các thành viên từ tổ chức bảo tồn Good Earth. "Có rất nhiều rùa trong ao đền", Jayaditya Purkayastha từ nhóm bảo tồn Good Earth cho biết. "Số lượng rùa Bostami ở Assam đã suy giảm rất nhiều trong những năm qua. Chúng tôi cảm thấy cần phải can thiệp và làm điều gì đó để cứu quần thể loài khỏi tuyệt chủng". Ao đền Hayagriva Madhav là nơi trú ẩn an toàn cho rùa Bostami. Ảnh: AFP. Good Earth đã hợp tác với những người quản sự ở đền Hayagriva Madhav để phát triển chương trình nhân giống. Lô rùa đầu tiên gồm 35 con non, trong đó có 16 con được ấp nở và nuôi tại đền, được thả về tự nhiên tại khu bảo tồn động vật hoang dã gần đó. "Tôi từng chăm sóc chúng vì sở thích. Nhưng bây giờ, việc đó đã trở thành trách nhiệm của tôi", Pranab Malakar, người chăm sóc ao đền ở Hayagriva Madhav cho biết. "Tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Chúng tôi đã nhìn thấy những con rùa từ thời thơ ấu. Mọi người đều tôn trọng chúng". Sau những thành công ban đầu, Good Earth quyết định mở rộng chương trình nhân giống. Họ đã tìm được 18 ao đền khác trong khu vực thích hợp để nuôi rùa Bostami và dự kiến đưa các lô rùa con tới đó trong tương lai gần. Tuy nhiên, chương trình nhân giống tại các ao đền cũng gặp phải những thách thức. Nhiều khách tham quan ghé thăm ngôi đền thường ném bánh mì và thức ăn xuống hồ. Điều này có thể gây ra một số biến đổi sinh học hay làm mất khả năng săn mồi tự nhiên của rùa Bostami. Đoàn Dương (Theo AFP) Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress