Kim loại tự tiêu sinh học Magnezix lần đầu tiên được bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức dùng để ghép xương cho hai bệnh nhân. Ngày 11/6, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức và Phó giáo sư Chee Yu-Han, chuyên gia đầu ngành chấn thương chỉnh hình tại Singapore đã mổ thị phạm phẫu thuật kết hợp xương cho 2 bệnh nhân bị gãy xương, bằng vít nén kim loại sinh học Magnezix. Đây là vít nén kim loại tự tiêu, giúp người bệnh sau bình phục không phải trải qua thêm cuộc mổ để rút vít như trước kia. Bệnh nhân là thanh niên 27 tuổi, ở Hải Phòng, gãy tay cách đây 7 tháng. Bệnh nhân đã được chiếu chụp phim ở tuyến dưới, chẩn đoán không bị tổn thương ở tay. Về nhà bệnh nhân vẫn đau, yếu cổ tay, không vận động như chống tay, đòi hỏi sức mạnh ở cổ tay. Kết quả chụp X-quang tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho thấy hình ảnh khớp giả xương thuyền tay phải, bác sĩ chỉ định mổ kết hợp xương ghép xương bằng vít nén kim loại tự tiêu sinh học mới. Sau mổ, bệnh nhân ổn định, đang được theo dõi. Các bác sĩ phẫu thuật cố định xương gãy cho bệnh nhân bằng vật liệu mới, ngày 11/6. Ảnh: Kim Oanh. Theo Phó giáo sư Chee Yu - Han, vít nén kim loại tự tiêu sinh học Magneziz là một phát minh quan trọng trên thế giới về ứng dụng vật liệu kim loại tự tiêu trong y khoa, đặc biệt là trong ngành chấn thương chỉnh hình. Hiện, vật liệu này đã được ứng dụng an toàn và hiệu quả trong điều trị kết hợp xương cho các bệnh nhân tại 40 quốc gia. Với vật liệu mới này, bệnh nhân sẽ không cần phải mổ lần hai để lấy vít ra như trước đây mà vít nén sẽ tự tiêu hoàn toàn và được chuyển hóa thành xương nội sinh. Phương pháp này giúp rút ngắn thời gian hồi phục và tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân, tránh những rủi ro có thể gặp phải khi mổ lần hai để lấy vít ra. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Khánh, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình 1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết, trong phẫu thuật cố định xương, các vật liệu cố định bên trong bằng kim loại có giá trị giúp xương liền; giữ thẳng điểm gãy. Khi xương liền, bệnh nhân vận động tốt sẽ phải tháo dụng cụ ra do người bệnh có tâm lý sợ khi vẫn còn "vật lạ" trong cơ thể. Đặc biệt, ở trẻ em, nếu để lại đinh vít cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. "Vật liệu mới đảm bảo việc hỗ trợ cố định xương, làm liền xương, lại vừa tự tiêu. Sau từ một đến 2 năm khi làm xong nhiệm vụ, vật liệu này sẽ "tan dần" vào xương", bác sĩ Khánh nói. Ngoài ra, vật dụng này còn có đặc điểm cấu trúc vít không có mũi nên bắt ngập vào trong xương, vít không trồi lên khỏi xương gây kích thích. Vật liệu mới thích hợp sử dụng cho các gãy xương nhỏ, xương cổ bàn chân, tay, những trường hợp xương chậm liền. Chi phí vít nén kim loại tự tiêu sinh học tương đương các vật liệu trước đây, được bảo hiểm y tế thanh toán. Lê Nga Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress