Đầu tháng 5/2019, tại một góc tầng B1 trong trung tâm thương mại Lucky Plaza, Orchard, Singapore, rất đông người xếp hàng mua gà rán tại một cửa hàng mới khai trương. Cửa hàng với tên gọi Otoké Chicken còn khá xa lạ với người dân đảo quốc sư tử. Đến 20h cùng ngày, cửa hàng đã trưng bảng "sold out" (bán hết). Cửa hàng Otoké Chicken tại Singapore. Điều đáng chú ý là cửa hàng bán gà rán mới khai trương nằm cạnh hai "ông lớn" là Jollibee ở quầy kế bên và McDonald’s nằm ngay đường vào khu ăn uống. Khởi nghiệp từ những hoài nghi "Anh suy nghĩ kỹ chưa? Bộ hết thứ để bán hay sao mà lại đi bán gà?" là câu hỏi Mai Trường Giang - nhà sáng lập Otoké Chicken nhận được nhiều nhất khi anh quyết định mở cửa hàng bán gà rán. Theo Giang, đó là một hoài nghi dễ hiểu. "Ở TP HCM, cứ một km lại có hai, ba tiệm gà của các thương hiệu từ lớn đến nhỏ, từ nhà hàng đến xe đẩy... Với mọi người, việc mở thêm cửa hàng chẳng khác nào 'tự sát'", Giang nói. Nhưng nhà sáng lập Otoké tin rằng mình có thể thành công. Theo anh, sau nhiều năm ăn gà ở Việt Nam, Giang nhận thấy da gà được chiên rất dày, khiến miếng da tích nhiều dầu mỡ, ăn nhiều không tốt cho sức khỏe. Một lần ăn thử gà của một thương hiệu Hàn Quốc, Giang nhận ra da mỏng cũng rất ngon. Anh mày mò công nghệ chiên tách dầu. Nhưng những người bạn kinh doanh của Giang vẫn bảo, thói quen của khách hàng là rất khó thay đổi. Dù miếng da gà mỏng sẽ tốt hơn cho sức khỏe, chưa chắc họ đã chấp nhận. "Tôi đi tìm đến một nhà đầu tư, thuyết phục họ hãy ăn thử miếng gà bản thân đã mày mò nghiên cứu xem sao. Kết quả là... thất bại thảm hại. Vị này chê miếng gà ấy thậm tệ và khuyên tôi hãy bỏ ngay ý định kinh doanh này đi", Giang chia sẻ. Một lời gian sau, một nhân sự cấp cao của công ty cùng tham gia thành lập thương hiệu mới cũng nộp đơn xin nghỉ. Không nói rõ lý do, nhưng Giang biết vị này nghỉ vì không tin Otoké Chicken có thể thành công. "Trong một cuộc phỏng vấn, anh từng nói một trong những mấu chốt trong kinh doanh là biết bỏ cuộc đúng lúc, tránh cảnh vỡ nợ và mất hết uy tín. Nhưng với câu chuyện khởi nghiệp từ gà rán, tôi lại có một niềm tin sắt đá", nhà sáng lập Otoké Chicken cho biết. Công thức làm ra miếng gà rán phù hợp khẩu vị người Việt có được nhờ những góp ý chân thành của khách hàng. Anh bắt đầu làm theo cách mà anh từng thành công với bánh ngọt nhân kem tươi Singapore Chewy Junior bằng cách cho khách hàng ăn thử miễn phí, đồng thời ghi lại phản hồi của họ. Theo thời gian, hương vị miếng gà rán Otoké Chicken cải thiện theo những góp ý từ khách hàng. Dù không phải một người sành nấu ăn, nhưng việc kiên trì nghiên cứu về các nguyên liệu trong ngành đã giúp Giang và cộng sự tìm ra công thức làm một miếng gà rán phù hợp khẩu vị của người Việt Nam. Tháng 11/2017, cửa hàng Otoké Chicken đầu tiên khai trương tại đường Đồng Đen (quận Tân Bình, TP HCM). Nhà sáng lập tiếp tục mở những cửa hàng có diện tích nhỏ, tận dụng lợi thế từ thị trường giao đồ ăn đang phát triển mạnh mẽ. "Cơ chế gọn nhẹ giúp Otoké Chicken thu hồi vốn nhanh", Giang cho biết. Đến nay, với 12 cửa hàng (tính cả cửa hàng vừa khai trương tại Singapore), Giang cho biết vẫn chưa thực sự chi tiền cho quảng cáo. Nhiều khách hàng cho biết chỉ đơn giản là tới ăn và truyền tai nhau về món gà rán da mỏng đậm vị. Kế hoạch mở rộng thị trường Không chỉ là một thị trường sôi động, Singapore còn là nơi Mai Trường Giang đã theo học ngành kỹ sư xây dựng trong nhiều năm. Việc nhà sáng lập Otoké Chicken thuê mặt bằng ở tầng B1, Lucky Plaza diễn ra khá tình cờ. "Anh trai Giang sống trong tòa nhà vô tình nhìn thấy biển cho thuê, khi một cửa hàng bán đồ ăn trước đó đã hết hợp đồng thuê và không ký tiếp. Tôi mới nhờ anh trai mình liên lạc với hai vợ chồng chủ nhà để thuê mặt bằng", Giang kể lại. Cặp vợ chồng bày tỏ ngạc nhiên khi một doanh nghiệp Việt liều lĩnh đi mở cửa hàng gà rán chung tầng với cả Jollibee và McDonald’s. Họ đã quyết định sang Việt Nam để coi ông chủ Otoké Chicken là ai. Mai Trường Giang - nhà sáng lập thương hiệu Otoké Chicken. "Họ nói với Giang, những lần cho thuê trước họ thường chỉ thu tiền, thành công hay thất bại là việc của người thuê. Nhưng lần này, họ vừa tò mò, vừa muốn đi Việt Nam một chuyến", anh Giang cho biết. Cặp vợ chồng hơn 60 tuổi có hơn 30 năm kinh doanh trong ngành tận mắt chứng kiến những buổi trưa ở cửa hàng gà rán 77B Hàm Nghi, tầng trệt tập trung đông đảo những người nghề giao hàng nhanh, tầng 1 khách ngồi kín chỗ. Sau khi ăn thử món gà rán của cửa hàng, họ cho rằng Giang sẽ thành công. "Đó là động lực giúp Giang tự tin kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản. Nhiều người thử món gà đều khen ngợi và cho điểm 8/10", Giang cho biết. Nếu như đa số doanh nhân đưa các thương hiệu gà nước ngoài về Việt Nam, Giang lựa chọn hành trình ngược lại là mang gà Việt Nam ra thế giới. Theo anh, trí tưởng tượng, lòng quyết tâm cùng sự kiên định là thứ vốn liếng quý giá nhất của một người khi khởi nghiệp kinh doanh. "Ý chí có ý nghĩa quyết định. Nhiều người kinh doanh dễ buông tay chỉ sau một vài khó khăn. Nhưng hãy nhớ ánh sáng chỉ lóe lên ở cuối đường hầm. Đừng nên mới tới... nửa hầm đã quay lưng trở về điểm ban đầu", Giang nói. Hoài Phong Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress