Vợ bị ung thư vú, bố ung thư trực tràng, anh Phạm Trung Tâm 45 tuổi phải nghỉ việc để chăm sóc hai người bệnh và đứa con nhỏ. Anh Tâm đang ở Bệnh viện Ung bướu Hà Nội để chăm sóc cho vợ, ngày cuối tuần. Hai tay anh nhẹ nhàng nâng người, lau mặt và cho vợ ăn từng thìa cháo. Nhiều đêm liền thức trắng khiến đôi mắt anh thâm quầng. Thế nhưng, anh vẫn luôn túc trực bên cạnh để trò chuyện và động viên vợ mạnh mẽ. Sau khi vợ ngủ, anh vội vàng chạy về trường đón con rồi về nhà chuẩn bị bữa tối cho gia đình. Dù công việc bận rộn, anh Tâm luôn sắp xếp thời gian để đưa đón con đi học mỗi ngày. Ảnh: Thùy An Anh Tâm và chị Cẩm Bào kết hôn năm 2006. Lúc đó, anh là quản lý của một công ty giày da còn chị Bào là nhà báo. Năm 2012, chị Bào được bác sĩ chẩn đoán bị ung thư vú thể bộ ba âm tính, giai đoạn 4. Ngay khi nghe tin, anh bỏ dở công việc để về bên vợ. "Ngày trước cứ nghe đến ung thư là nghĩ đến án tử. Tôi chẳng nghĩ được gì nhiều ngoài nỗi sợ hãi cứ lớn dần lên từng giờ. Tôi sợ mất vợ mãi mãi", anh Tâm chia sẻ. Sau đó, chị được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một bên ngực. Trong 6 đợt truyền hoá chất đầu tiên, chị phải chạy cấp cứu 19 lần và chết lâm sàng 3 lần. Hai vợ chồng không dưới một lần nói chuyện với nhau như là lần cuối. Chị dặn chồng chăm sóc con gái và tìm một người phụ nữ khác để yêu thương. Đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, người đàn ông chẳng cầm được nước mắt song chưa bao giờ anh nghĩ đến việc bỏ cuộc. Anh Tâm và Cẩm Anh luôn động viên mẹ mạnh mẽ chiến thắng bệnh tật. Ảnh: Nhân vật cung cấp Năm 2017, gia đình một lần nữa trải qua biến cố khi bố anh phát hiện ung thư trực tràng, giai đoạn 3. Trái với lần đầu tiên, anh đón nhận cú sốc này vững vàng hơn. "Thời gian chăm sóc vợ đã giúp tôi hiểu hơn về bệnh ung thư. Tôi tin y học và bác sĩ sẽ điều trị tốt cho bố mình", anh Tâm nói. Những ngày bố và vợ cùng điều trị tại viện, anh Tâm tất bật chạy từ phòng bố sang phòng vợ và ngược lại để chăm sóc cho cả hai. Hiện, anh đã quen dần với việc sắp xếp thời gian để cân bằng công việc. Anh luôn chuẩn bị sẵn một balo đầy đủ đồ dùng cá nhân phòng khi nguy cấp có thể đến viện kịp thời. Anh Tâm dành toàn bộ thời gian cho gia đình. Ảnh: Thùy An Bên cạnh việc chăm sóc vợ, anh còn cùng chị tham gia nhiều hoạt động tình nguyện để truyền cảm hứng và nghị lực sống cho những người bệnh như xây dựng thư viện tóc, thành lập câu lạc bộ thiện nguyện, quyên góp xe lăn cho người bệnh... Để hỗ trợ tinh thần cho vợ, anh âm thầm ghi lại bức ảnh, video làm kỷ niệm. Anh cũng thường đưa con gái Cẩm Anh đến cùng để hai mẹ con có thêm nhiều thời gian bên nhau. Đầu 2019, sức khoẻ của chị có yếu hơn trước nên buộc phải tạm dừng mọi hoạt động để điều trị. Trải qua 71 lần hóa chất và 45 mũi xạ trị nhưng chị Cẩm Bào vẫn mạnh mẽ và nhận mình may mắn. "Chưa bao giờ tôi thấy chồng mình phản đối, phàn nàn hay than thở. Chính bố con Cẩm Anh đã động viên và là điểm tựa để tôi yên tâm điều trị", chị Bào nói. Thấm thoắt 7 năm trôi qua, anh Tâm trở thành trụ cột vững chãi của gia đình. Cẩm Anh cũng khôn lớn và tự lập hơn. Cả gia đình luôn bên cạnh nhau trước mọi khó khăn của cuộc đời. "Bạn không có đủ thời gian để làm mọi việc nhưng bạn sẽ đủ để làm những việc quan trọng nhất. Tại thời điểm này, thời gian của tôi dành trọn cho gia đình", anh Tâm chia sẻ. Thùy An Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress