Cuộc chơi nhiều vốn Sunseap được thành lập bởi đôi bạn thân Frank Phuan và Lawrence Wu năm 2011 tại Singapore với mục đích cung cấp năng lượng bền vững và giá cả phải chăng. Danh mục dự án của công ty bao gồm lắp đặt điện mái trên cao và hệ thống quang điện nổi dưới biển. Tập đoàn Sunseap bao gồm các công ty con như Sunseap Lending, Sunseap Energy, Sunseap International, Sunseap Engineering, Sunseap Energy Ventures, Sunseap Solutions và SolarPVExchange. Ngày 6/8/2015, startup này thu hút 77 triệu đô Singapore trong lần gọi vốn series B để đẩy nhanh việc áp dụng năng lượng mặt trời như một nguồn năng lượng thay thế ở Singapore. Ngày 2/5/2017, vòng góp vốn Series C 5 triệu đô Singapore bởi ISOTeam giúp thúc đẩy kế hoạch mở rộng tại Malaysia, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan và Philippines. Cũng trong tháng 5/2017, công ty nhận 15 triệu đô la Singapore từ Ngân hàng United Overseas (UOB) để phát triển các dự án năng lượng mặt trời thương mại tại Singapore. Cụ thể là hệ thống điện mặt trời 9,5MWp tại cảng Jurong và 2,4MWp tại Panasonic. Eric Tham, đại diện UOB cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng tài trợ cho các sáng kiến sử dụng năng lượng mặt trời để giảm lượng khí thải carbon". Ngày 20/9/2017, Sunseap nhận khoản đầu tư 75 triệu đô Singapore từ Banpu Public Company, tiếp sau đó, vào tháng 4/4/2019 là khoản vay 50 triệu đô la Singapore từ tập đoàn ngân hàng Hà Lan - ING để xây dựng các dự án năng lượng mặt trời điện mái 50 MW ở châu Á. Hai nhà sáng lập Frank Phuan và Lawrence Wu của Sunseap. Các khách hàng hiện tại của Sunseap có cơ quan chính phủ, các công ty lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập đoàn công nghệ Apple tại Singapore, Viện Raffles, tập đoàn United Technologies, cảng Jurong, ABB, Panasonic, Eagle Services Asia, Pratt & Whitney, Takasago... Dự án điện mặt trời nổi trên biển Chính phủ luôn quan tâm đến môi trường xanh và bền vững, cộng thêm trời nắng quanh năm là những yếu tố thúc đẩy ngành công nghiệp năng lượng mặt trời tại Singapore. Tuy nhiên hạn chế về diện tích của đảo quốc cùng giá đất tăng cao, không thể đáp ứng đủ diện tích lớn cho những dự án điện mặt trời trên đất liền. Vì thế việc phát triển hệ thống quang điện nổi trên biển là giải pháp mang ý nghĩa lớn. "Năng lượng mặt trời nổi có hiệu suất cao hơn tới 16% so với trên đất liền. Các tấm pin mặt trời nổi cũng ngăn chặn sự phát triển của tảo gây hại cho nguồn cá. Ở chiều ngược lại, hiệu ứng làm mát của nước giúp giảm tổn thất nhiệt và kéo dài tuổi thọ của những tấm pin", đại diệ Sunseap chia sẻ. Hệ thống quang điện nổi ngoài khơi đặt ở phía bắc công viên bờ sông Woodlands. Trong năm 2019, một trong những hệ thống năng lượng mặt trời nổi trên biển lớn nhất thế giới của Sunseap sẽ sớm đưa vào hoạt động dọc theo eo biển Johor, phía bắc công viên Woodlands, Singapore, trải dài trên diện tích 5ha. Hệ thống điện 5MW dự kiến tạo ra khoảng 6.388MW giờ năng lượng tái tạo, tương đương với việc cung cấp năng lượng cho khoảng 1.250 căn hộ, giảm khí thải nhà kính khoảng 2.600 tấn một năm. Hoài Châu Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress