Thoát những cơn run Parkinson nhờ cấy điện cực sọ não

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, May 21, 2019.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 124)

    Nghĩ đến việc bị khoan hai lỗ trên sọ để đưa que kim loại vào, ông Đào Sỹ Son không khỏi sợ hãi, nhưng ông đã quyết.


    "Sợ cũng phải cố mà vượt qua. Suốt 5 năm tôi bị bệnh, không nhấc nổi chân, nói khó, viết khó, run rẩy, mệt mỏi quá rồi", ông Son 64 tuổi, bệnh nhân Parkinson, nói. "Nếu không làm, tôi sẽ phải sống chung với bệnh này cả đời".

    Ông Son là bệnh nhân thứ 9 được bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức phẫu thuật đặt điện cực vào trong não. Đây là phương pháp mới nhất nhằm nhanh chóng giải thoát cho bệnh nhân khỏi những cơn run không kiểm soát được.

    Trước lịch mổ ngày 11/5, các bác sĩ khám sàng lọc và làm các test đánh giá về tâm lý, rồi quyết định phẫu thuật đặt điện cực vào vùng dưới đồi ở hai bên cho ông Son.

    Ca phẫu thuật diễn ra trong 7 giờ, ông Son tỉnh táo và cảm nhận được mọi việc bác sĩ làm. Chiều tối, ekip bác sĩ bước ra khỏi phòng mổ thông báo thành công, người nhà thở phào nhẹ nhõm.

    Tỉnh dậy, ông Son bối rối khi biết trong não mình có một thiết bị. Ông mong chờ đến ngày có những thay đổi trên cơ thể mình. Năm ngày sau phẫu thuật, tình trạng của ông Son đã cải thiện rõ rệt. Được bác sĩ hướng dẫn thực hiện các động tác đơn giản, ông làm theo thuần thục, không còn run rẩy. Nếu tình hình tiến triển tốt, vài ngày sau đó ông được về nhà sống một "cuộc đời mới".

    Bác sĩ Trần Đình Văn, Khoa Phẫu thuật Thần kinh I, Bệnh viện Việt Đức, cho biết phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu sẽ mở ra cơ hội cho những bệnh nhân Parkinson nặng đáp ứng kém với thuốc và có điều kiện kinh tế phù hợp.

    [​IMG]

    Bác sĩ hướng dẫn ông Son thực hiện các động tác đơn giản sau phẫu thuật. Ảnh: Lê Nga.

    Phương pháp phẫu thuật sọ não này nhằm đưa một que kim loại, còn gọi điện cực, vào đúng các cấu trúc sâu trong não. Sau đó, điện cực được nối với một dây dẫn ra khỏi não, luồn dưới da từ vùng đầu đến vùng trước ngực rồi gắn vào máy tạo nhịp được đặt ở đó. Tuổi thọ pin trung bình khoảng 5 năm tùy thuộc vào cường độ điện sử dụng cao hay thấp. Giống như máy tạo nhịp tim, khi được kích thích, dòng điện sẽ theo dây dẫn vào điện cực, tác động vào nhân não giúp cải thiện triệu chứng cho người bệnh.

    Ba tuần sau khi phẫu thuật, được duy trì dùng thuốc và điều chỉnh cường độ kích thích phù hợp, người bệnh sẽ có thể đi lại, tự phục vụ bản thân. Các biểu hiện như loạn động được kiểm soát, các triệu chứng như cứng cơ giảm 90%, triệu chứng run giảm 70%. Bệnh viện Việt Đức đã áp dụng phương pháp này cho 9 bệnh nhân, đều có tiến triển tốt.

    Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Nội - Hồi sức Thần kinh, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, cho biết Parkinson là bệnh lý thoái hóa thần kinh và tiến triển từ từ, nặng dần theo thời gian. Bệnh có biểu hiện lâm sàng là triệu chứng vận động gồm run và co cứng cơ, chậm chạp, mất ổn định về tư thế, bệnh nhân đi lại dễ bị ngã. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như trầm cảm, tiêu hóa, rối loạn thần kinh thực vật.

    Điều trị cho bệnh nhân Parkinson chủ yếu là dùng thuốc. Giai đoạn đầu, thường 4-5 năm từ khi khởi phát bệnh, việc dùng thuốc khá hiệu quả. Những giai đoạn sau, đáp ứng với thuốc ngày càng kém dần, bệnh nhân phải tăng liều điều trị và xuất hiện nhiều biến chứng.

    Kỹ thuật kích thích não sâu là một trong những kỹ thuật hiện đại nhất trong điều trị bệnh Parkinson và một số các rối loạn vận động khác. Các nước châu Âu và Mỹ khuyến cáo sử dụng kỹ thuật này để điều trị bệnh nhân Parkinson ở giai đoạn đáp ứng kém với thuốc, thường tối thiểu 5 năm kể từ khi được chẩn đoán. Giá thành điều trị ở Việt Nam khoảng hơn 30.000 USD, bằng một phần ba so với nước ngoài.

    Đặt điện cực kích thích não sâu mới được triển khai tại hai bệnh viện là Hữu nghị Việt Đức ở Hà Nội và Nguyễn Tri Phương ở TPHCM.

    Lê Nga


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Thoát những cơn run Parkinson nhờ cấy điện cực sọ não

Share This Page