"Phạt cười" nghe qua có vẻ rất hài hước, nhưng trên thực tế, đây là một phương thức tra tấn không cần dùng đến bất cứ vũ khí nào, cũng không đổ máu nhưng lại dày vò phạm nhân cho đến tận lúc chết. Từ thời cổ đại, những người phạm pháp đều phải chịu đựng những hình phạt thích đáng để trả giá cho lỗi lầm của mình, đồng thời để răn đe những người khác trong xã hội, bao gồm: tử hình, tù đày hay đánh đập... Tuy nhiên, cũng có rất nhiều hình thức tra tấn còn ghê gớm và gây ám ảnh hơn, dù không hề gây nên đau đớn hay đổ máu, nhưng khiến cho khiến cho phạm nhân cảm giác bị dày vò, sống không bằng chết. Một trong số đó là "phạt cười" (Tickle torture), thường là gây ngứa ở lòng bàn chân của các tử tù, khiến cho họ cười mãi cho đến chết. Nguồn gốc hình thức tra tấn bằng việc gây cười "Phạt cười" hay còn được gọi là Tickle torture (tra tấn bằng cách gây nhột) hoặc "Tiếu hình" trong tiếng Trung Quốc. Đây là một hình thức tra tấn cổ xưa, xuất hiện sớm nhất vào thời nhà Hán ở Trung Quốc. "Phạt cười" là hình phạt dành riêng cho quý tộc vì nó không để lại dấu vết, khiến nhưng người thực hiện có thể che giấu việc đã tra tấn nạn nhân. Một ví dụ khác về việc "phạt cười" đã được sử dụng ở La Mã cổ đại, nơi chân của phạm nhân bị nhúng vào dung dịch muối, mật ong, hoặc đường trắng và người ta sẽ đưa một con dê đến liếm lòng bàn chân họ. Kiểu tra tấn này ban đầu sẽ chỉ như mọi người cù lét nhau để trêu đùa như bình thường, nhưng cuối cùng sẽ khiến phạm nhân trở nên vô cùng đau khổ. Tranh vẽ miêu tả về hình thức tra tấn tưởng như rất nhẹ nhàng này. Có rất nhiều phương thức khác để thực hiện "phạt cười" như: Dùng lông ngỗng cù lòng bàn chân hoặc nách, những vị trí có thể gây cười trên cơ thể con người. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, một người đàn ông bị bức hại trong trại tập trung Flossenburg đã kể lại việc chứng kiến một tù nhân bị tra tấn bằng cách gây cười cho đến chết. Sự việc này đã được mô tả lại trong The Men With The Pink Triangle của Heinz Heger: "Họ dùng lông ngỗng để cù vào lòng bàn chân, giữa hai chân, ở giữa các nách và nhiều bộ phận khác trên cơ thể tù nhân. Lúc đầu, người đó sẽ cố gắng buộc bản thân phải giữ im lặng, trong khi mắt anh ta co giật vì sợ hãi và dằn vặt. Sau đó, anh ta không thể kiềm chế bản thân được nữa và cuối cùng đã cười phá lên, rồi rất nhanh chóng, tiếng cười đó biến thành một tiếng kêu đau đớn". Tại sao hình phạt này lại đáng sợ? Trong cuốn sách Sibling Abuse, Vernon Wiehe đã công bố kết quả nghiên cứu của mình về 150 người lớn bị anh chị em của họ lạm dụng trong thời thơ ấu. Một số đó cho biết cù lét (gây nhột) là một loại lạm dụng thể chất phổ biến mà họ từng phải trải qua. Và dựa trên các báo cáo này cũng đã tiết lộ rằng cù lét có khả năng gây ra các phản ứng sinh lý cực đoan ở nạn nhân, như nôn mửa, mất kiểm soát (mất kiểm soát bàng quang) và mất ý thức do không có khả năng thở. Theo phân tích, nếu một người liên tục cười không ngừng, không khí trong phổi sẽ ngày càng ít đi và họ sẽ bị mất khả năng thở. Kết quả là cơ thể sẽ vô cùng thiếu oxy và gây ra nghẹt thở đến chết. Hầu hết những hình phạt thời cổ đại được thực hiện trong thời gian rất lâu. Do đó, tù nhân sẽ không thể ngừng cười, dẫn đến kết cục bi thảm cuối cùng là họ sẽ chết trong chính những cơn cười không dứt đó của mình. Cho đến ngày nay, người ta vẫn thường nói đùa với nhau là "cười đến không thở nổi", nhưng trên thực tế đó chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết cho rất nhiều người trong thời Trung Cổ hay phong kiến Trung Quốc xưa kia. Bên cạnh những hình thức tra tấn như: Lăng trì, ngũ mã phanh thây... "Phạt cười" vẫn luôn là hình phạt gây ra nỗi sợ hãi còn kinh khủng hơn các hình phạt đẫm máu. Hình ảnh một người bị trói, cố định hoàn toàn tay chân, nhưng vẫn cười mãi cho đến khi không thể chịu đựng được nữa và chết đi, chắc chắn sẽ để lại sự ám ảnh sâu sắc cho những ai chứng kiến. Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV