Maju 35 tuổi (Brazil) đã phẫu thuật chuyển giới, là người chuyển giới đầu tiên trên thế giới cấy ghép âm đạo bằng da cá. Maju đã phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ vào năm 1999. Ca phẫu thuật khiến bộ phận sinh dục của cô bị hẹp và tổn thương suốt 10 năm qua. Mới đây Maju khám tại một bệnh viện ở Fortaleza, phía đông bắc Brazil, bác sĩ chỉ định phẫu thuật để cấy ghép lại âm đạo bằng da cá rô phi. Ngày 23/4, Maju trải qua ca phẫu thuật. Trong vòng ba giờ, các bác sĩ chèn một khuôn hình ống được bọc bằng da cá rô phi vào âm đạo của cô. Da cá có chiều dài, độ dày và độ đàn hồi vừa vặn với âm đạo, đã được khử trùng và khử mùi trước đó. Sau 6 ngày, miếng da cá sẽ hấp thụ vào cơ thể bệnh nhân. Sau đó, các bác sĩ chèn một thanh silicon đặc vào âm đạo Maju trong 6 tháng để ngăn chặn thành âm đạo đóng kín lại. Ba tuần sau phẫu thuật, Maju đã phục hồi sức khỏe, không cảm thấy đau đớn, có thể đi tiểu bình thường. Các bác sĩ cho biết cô có thể quan hệ tình dục trong vài tháng tới. "Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy trọn vẹn như một người phụ nữ thực thụ", Maju chia sẻ. Da cá rô phi được lấy ra, khử trùng, khử mùi để cấy ghép vào âm đạo bệnh nhân. Ảnh: Medicine.news Theo giáo sư Bezerra, hẹp âm đạo là biến chứng phổ biến ở phụ nữ chuyển giới. Trong quy trình chuyển giới từ nam sang nữ, hầu hết bộ phận bên trong của dương vật đều bị cắt bỏ, da dương vật bị gập vào khoảng trống giữa niệu đạo và trực tràng. Phần da bên ngoài của dương vật sau đó được cấy ghép vào bên trong âm đạo. Bệnh nhân được điều trị nội tiết tố để phát triển các đặc tính nữ, dẫn đến mất mô dương vật khiến bộ phận sinh dục bị teo. Điều này giải thích cho việc âm đạo có thể bị hẹp sau phẫu thuật chuyển giới Kỹ thuật cấy ghép dương vật bằng da cá rô phi được phát triển trên thế giới từ ba năm trước. Trước khi da cá rô phi được sử dụng y tế, nó phải trải qua một quá trình khử trùng nghiêm ngặt tại Trung tâm Hạt nhân Nghiên cứu và Phát triển Thuốc (NPDM) Mỹ. Sau khi khử trùng, da cá rô phi trải qua xạ trị để tiêu diệt bất kỳ loại virus còn sót lại nào. Tiếp theo, nó được lưu trữ hai năm trong tủ lạnh rồi mới được phân phối cho các trung tâm điều trị trên khắp châu Mỹ Latinh và nước ngoài. Đến nay, bằng phương pháp này, các bác sĩ đã điều trị thành công cho 10 phụ nữ sinh ra không có âm đạo, hoặc âm đạo gặp những vấn đề khiến không thể quan hệ tình dục. Maju là trường hợp người chuyển giới đầu tiên. "Ưu điểm lớn nhất của kỹ thuật này là xâm lấn tối thiểu và không cần phải lấy da từ các bộ phận khác trên cơ thể", giáo sư Bezerra nói. "Việc lấy da trên cơ thể bệnh nhân sẽ khiến họ đau đớn, dễ để lại sẹo". Da cá rô phi ngày nay cũng được sử dụng để chữa lành vết thương khi bị bỏng do giàu độ ẩm và collagen. Các chuyên gia kỳ vọng trong tương lai da cá rô phi sẽ được ứng dụng nhiều hơn trong lĩnh vực y tế. Quỳnh Anh (Theo Medicine News) Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress