Một số điểm bán không niêm yết điện thoại xách tay trên website nữa, từ chối tư vấn qua điện thoại về các mẫu smartphone này. Dự định mua iPhone XS Max, chị Lan Hương, kế toán tại Hà Đông (Hà Nội), tham khảo thông tin trên website của một cửa hàng bán lẻ từ một tuần trước. Tuy nhiên hôm nay, chị vào lại để kiểm tra giá thì thấy số lượng model niêm yết giảm còn một nửa. "Toàn bộ iPhone mà cửa hàng ghi là "nhập khẩu" đã biến mất, chỉ còn niêm yết máy chính hãng trên đó", chị cho biết. Website của một cửa hàng từng giới thiệu iPhone "xách tay" mã LL/A nhưng nay chỉ còn toàn hàng chính hãng. Tương tự chị Hương, anh Tuấn Hùng, lập trình viên tại Cầu Giấy (Hà Nội), cũng không thể tìm được mẫu iPhone XR có mã hàng LL/A (bản của thị trường Mỹ) mà anh tham khảo hôm trước. Anh tính cuối tuần sẽ mua chiếc điện thoại này ở một cửa hàng trên phố Thái Hà do giá rẻ hơn gần bốn triệu đồng so với máy có mã VN/A (nhập khẩu chính hãng tại Việt Nam). "Tôi có gọi tới hotline thì nhân viên nói không báo tình trạng hàng qua điện thoại, nhờ khách ra trực tiếp cửa hàng", anh Hùng nói. "Khi hỏi về iPhone chính hãng thì nhân viên cho biết có sẵn máy". Các cửa hàng chuyên iPhone gần đây liên tục gỡ thông tin về hàng "nhập khẩu" khỏi website, khóa quảng cáo hàng "xách tay" trên Facebook và các trang mạng xã hội, sau khi nhiều cửa hàng Nhật Cường Mobile bị khám xét, người đứng đầu bị bắt do nghi nhập lậu thiết bị điện tử. Trước đó, điện thoại "xách tay" được xem là mặt hàng chủ lực của những cửa hàng quy mô trung bình và nhỏ, nhằm cạnh tranh với những tên tuổi lớn. "Sau vụ Nhật Cường Mobile, người trong nghề bảo nhau tạm ngừng một thời gian đã", chủ một thương hiệu hàng xách tay với hàng chục cửa hàng tại Hà Nội, chia sẻ. "Hiện nay, nhiều bên đều dừng bán hàng, gỡ thông tin máy xách tay khỏi website, ngừng chạy quảng cáo hay đăng thông tin trên Facebook. Khách đến trực tiếp cửa hàng hỏi mua bên tôi cũng rất hạn chế bán", anh này chia sẻ. Điện thoại xách tay là những thiết bị không được phân phối thông qua kênh chính thức, chủ yếu được đưa về Việt Nam qua đường tiểu ngạch, không đóng thuế nhập khẩu. Dù vậy, nhiều năm qua, những sản phẩm này lại được bán công khai, trở thành một mảnh ghép lớn trong bức tranh tổng thể về thị trường di động tại Việt Nam. iPhone là sản phẩm được người tiêu dùng quan tâm hơn cả trong các dòng smartphone xách tay nhờ giá bán rẻ hơn đáng kể so với máy phân phối chính hãng. Một chiếc iPhone XS Max bản 64 GB hàng Mỹ được bán tại Việt Nam với giá khoảng 23,5 triệu đồng, trong khi máy chính hãng giá 28-29 triệu đồng. Tuy nhiên, người dùng thường không được bảo hành chính hãng tại Việt Nam mà nếu máy có lỗi chỉ được sửa tại nơi đã mua, quyền lợi không được đảm bảo. Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ