Có 3 giải pháp để sửa đổi luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành, trong đó có thể sẽ bỏ quy định cấm kết hôn đồng giới nhưng không thừa nhận và vẫn giải quyết hậu quả phát sinh từ mối quan hệ này. Từ khi có dự thảo sửa đổi luật Hôn nhân và Gia đình, vấn đề đồng giới trở nên nóng hổi. Tại hội nghị tổng kết định hướng sửa đổi luật trình lên Quốc hội diễn ra hôm qua ở Hà Nội, xung quanh vấn đề này vẫn có nhiều quan điểm trái chiều. Bộ Tư pháp đưa ra 3 giải pháp cho vấn đề hôn nhân cùng giới. Một là, không đồng ý hôn nhân đồng giới nhưng sẽ có quy định giải quyết hậu quả phát sinh từ mối quan hệ của họ. Theo đó, luật mới sẽ bỏ quy định cấm kết hôn cùng giới, sửa theo hướng không thừa nhận hôn nhân của những người cùng giới tính. Đồng thời, không can thiệp vào việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính. Quy định về quyền và nghĩa vụ giữa các bên cùng giới tính trong quan hệ chung sống như vợ chồng theo giải pháp quy định về việc chung sống như vợ chồng giữa những người khác giới. Phương án 2 là thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Phương án 3, giữ nguyên như quy định hiện hành, tức là cấm hôn nhân đồng giới. Ông Dương Đăng Huệ ở Vụ Pháp Luật dân sự - kinh tế, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật cho rằng, đồng tính là một vấn đề nhạy cảm, phát sinh từ thực tiễn xã hội. 13 năm Luật Hôn nhân và Gia đình đi vào cuộc sống đã cho thấy "quy định 'cấm kết hôn đồng giới' quá khắc nghiệt và nặng nề. Lần này sửa đổi luật phải tìm ra biện pháp mềm mỏng hơn". “Chắc chắn hướng sửa đổi sẽ dựa trên tinh thần nhân đạo và quyền cơ bản của công dân”, ông Huệ khẳng định. Ủng hộ cho hôn nhân đồng tính có hai cơ quan là Bộ Y tế và Đoàn thanh niên. Phó giáo sư Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, đồng tính không phải là bệnh. Vì vậy, y học không thể can thiệp, cũng không thể chữa khỏi. Theo ông Tiến, tính đến ngày 15/6/2012 trên thế giới đã có 11 quốc gia, 10 vùng lãnh thổ hợp thức hóa hôn nhân đồng giới, 21 quốc gia, 19 lãnh thổ thừa nhận kết hợp dân sự giữa những người đồng tính và 3 quốc gia công nhận việc chung sống không đăng ký giữa những người cùng giới tính. Trên căn cứ đó, phó giáo sư Tiến khẳng định, người đồng tính cũng như người bình thường, có quyền sống, ăn mặc, mưu cầu hạnh phúc, được lao động, học tập, khám chữa bệnh cũng như kết hôn… Tuy nhiên, luật cấm kết hôn khiến họ không công khai giới tính thực, bị kỳ thị, xa lánh, nhiều người phải sống dưới một vỏ bọc khác... Do đó, ông Tiến kiến nghị: “Cho phép kết hôn đồng tính vì nó là quyền được sống thực với gì mình có - đó là quyền con người”. Cũng xuất phát từ những bất công với người đồng tính hiện nay, đại diện Đoàn thanh niên khẳng định: "Luật Hôn nhân và Gia đình nên cho phép những người đồng giới tính kết hôn với nhau. Tuy nhiên cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm đảm bảo chế độ hôn nhân và gia đình theo quy định của pháp luật, đáp ứng được các mục tiêu cần hướng tới". Ngược lại, không ít cơ quan ban ngành khác phản đối thừa nhận hôn nhân đồng tính. Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ, bà Bùi Thị Hòa cho rằng: "Thừa nhận hôn nhân đồng tính là không phù hợp với phong tục, tập quán của Việt Nam”. Hai cô gái làm lễ cưới với nhau tại Bình Dương. Ảnh: N.T. Theo bà Hòa, hiện nay vẫn chưa xác định được số lượng người đồng tính ở nước ta. Thế giới cũng chưa có nhiều các nước công nhận hôn nhân đồng tính. Nhất là mục đích của hôn nhân và gia đình ngoài việc thỏa mãn nhu cầu cá nhân còn bảo đảm thực hiện 5 chức năng của gia đình - điều mà hôn nhân đồng tính không thể đáp ứng được. Do đó, Hội Phụ nữ đề nghị có thể thay câu "cấm hôn nhân cùng giới" trong luật Hôn nhân Gia đình năm 2000 bằng một điều khoản như “Nhà nước không thừa nhận việc kết hôn giữa những người có cùng giới tính với nhau”. Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cũng thừa nhận xã hội đang hiểu biết rất hạn chế về đồng tính. Cho rằng luật quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính là "phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống của người Việt Nam cũng như mục đích của việc kết hôn”, nhà chức trách Hà Nội đề nghị "Tiếp tục quy định cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính như luật hiện hành" và không có thêm quy định nào nữa. TP HCM cũng không ủng hộ hôn nhân đồng tính. Đại diện thành phố này cho rằng hôn nhân đồng tính là làm "xói mòn giá trị truyền thống". Công nhận hôn nhân đồng tính sẽ gây tình trạng "chuyển giới ồ ạt", tình dục lệch lạc trong giới trẻ... Phần đông các tỉnh thành và cơ quan nhà nước thừa nhận người đồng tính có quyền bình đẳng như người bình thường nhưng lo ngại về ảnh hưởng của hôn nhân cùng giới lên xã hội, trẻ em nuôi dạy trong gia đình đồng tính hoặc khả năng duy trì nòi giống... Ông Lương Thế Huy - cán bộ pháp lý của Nhóm ICS (tổ chức vì quyền lợi của người đồng tính, song tính và chuyển giới) cho rằng, những ý kiến trên có nhiều tiến bộ, quyền lợi của người đồng tính được quan tâm hơn. "Tuy nhiên, một số cơ quan, tổ chức vẫn còn hiểu sai về người đồng tính. Ví như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và UBND TP HCM hiểu lầm đồng tính với chuyển giới hay đồng tính là trào lưu của giới trẻ. Do đó còn kỳ thị người đồng tính, nói rằng hôn nhân đồng tính làm xói mòn giá trị truyền thống", ông Huy cho biết. Đại diện cộng đồng người đồng tính, ông Huy cho rằng thực ra trong vấn đề kết hôn cùng giới, cộng đồng người đồng tính chỉ có hai ý kiến: Thừa nhận hay không thừa nhận. "Giải pháp lưng chừng làm chúng tôi hiểu rằng chúng tôi thua kém người bình thường", vị này nói. Theo vị này, khi lấy ý kiến về hôn nhân đồng giới cho sửa đổi Luật hôn nhân và Gia đình, Bộ Tư pháp đã tham khảo nhiều quan điểm của các bên liên quan, riêng người đồng tính lại không được nói ý kiến của mình. "Không từ cuộc sống để làm luật thì luật sẽ không sát với thực tế", ông Huy cho hay. Phan Dương Nguồn VNExpress