Các nhà khoa học đứng đầu nhóm sẽ lên kế hoạch phát triển, kết quả là các bài báo quốc tế, công nghệ mới, sáng chế được thương mại hóa. Ngày 15/5, Hội đồng khoa học Trường Đại học Phenikaa ra mắt 8 nhóm nghiên cứu mạnh nhằm tập hợp đội ngũ các nhà khoa học xuất sắc, hình thành những tập thể nghiên cứu mạnh có khả năng giải quyết các bài toán khoa học và công nghệ lớn ở cả lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công nghệ. Các nhóm nghiên cứu thuộc các lĩnh vực: Vật liệu nano trong y sinh, môi trường và năng lượng; Hóa dược và Hoạt chất sinh học; Các hệ thống thông tin thông minh và Cảm biến nano; Quang tử và Quang điện tử; Vật lý năng lượng cao và Vũ trụ học; và Phân tích dữ liệu lưới trong Khoa học xã hội. Các trưởng nhóm nghiên cứu mạnh tại lễ ra mắt. GS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết, với cả hai loại hình nhóm nghiên cứu đều yêu cầu các trưởng nhóm xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn, trong đó khuyến khích các nhóm định hướng đến các sản phẩm cuối cùng bao gồm không chỉ các bài báo đăng trên tạp chí quốc tế, mà còn là các công nghệ mới, vật liệu mới, các linh kiện, hệ thống điều khiển, các máy móc, trang thiết bị đo đạc, sản xuất... "Với các nhóm nghiên cứu ứng dụng mạnh, yêu cầu thương mại hóa các kết quả hoặc đăng ký bản quyền sáng chế công nghệ là bắt buộc. Các hướng nghiên cứu ứng dụng có khả năng thương mại hóa sản phẩm cao sẽ được ưu tiên đầu tư và không giới hạn về kinh phí", GS Huy nói và cho biết việc hình thành nhóm nghiên cứu mạnh giúp nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Đây cũng là cách hỗ trợ tích cực hoạt động giảng dạy đại học và sau đại học, gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, giúp người học tiếp cận với những vấn đề khoa học và công nghệ mới nhất trên thế giới và nâng cao khả năng hội nhập quốc tế của Trường và người học. Yêu cầu cụ thể đối với nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản là mỗi năm phải công bố ít nhất 5 công trình khoa học là các bài báo trên các tạp chí hạng Q1 (theo tiêu chuẩn của SCImago Journal Rankings), hoặc 8 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế ISI/Scopus, trong đó có ít nhất 3 công trình hạng Q1. Mỗi công trình khoa học hạng Q1 có thể được thay thế bằng một sách chuyên khảo. Đối với nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, trong vòng 3 năm phải chuyển giao được ít nhất 1 quy trình công nghệ cho các doanh nghiệp (với tổng kinh phí chuyển giao công nghệ trên 500 triệu đồng), hoặc đăng ký thành công 2 sáng chế/giải pháp hữu ích trong nước hoặc quốc tế Để các nhóm nghiên cứu mạnh hoạt động, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Tập đoàn PHENIKAA đầu tư cho việc xây dựng các phòng thí nghiệm, mua trang thiết bị, tuyển dụng postdoc (nghiên cứu sau tiến sỹ), học bổng cho nghiên cứu sinh tiến sỹ, thạc sỹ và sinh viên. Mức kinh phí đầu tư cho trang thiết bị của mỗi nhóm là 4 tỷ đồng cho 3 năm đầu và kinh phí không hạn chế đối với những nhóm nghiên cứu có mục tiêu phát triển công nghệ ứng dụng. Cơ hội cho các nghiên cứu trẻ Mô hình chung của các nhóm nghiên cứu trên thế giới thường bao gồm trưởng nhóm là một giáo sư (nhà khoa học có uy tín), các phó giáo sư, nghiên cứu sau tiến sỹ (postdoc), nghiên cứu sinh, học viên cao học... Hoạt động của nhóm nghiên cứu cũng gắn với các định hướng nghiên cứu (cơ bản, ứng dụng) cụ thể, mang tính dài hạn và các đề tài, dự án nghiên cứu có mục tiêu, nội dung, kế hoạch triển khai và các sản phẩm khoa học, công nghệ và ứng dụng cụ thể. Các nghiên cứu viên thảo luận tại phòng thí nghiệm Trường Đại học Phenikaa Chính vì vậy, khi tham gia nhóm nghiên cứu hoặc nhóm nghiên cứu mạnh, các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên sẽ được làm việc trong môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp; được tiếp cận với những vấn đề khoa học, công nghệ mới nhất và được tự lựa chọn để tham gia thực hiện một hoặc một vài nội dung nghiên cứu cụ thể của nhóm. "Trong môi trường đó các em sẽ học tập được kỹ năng làm việc theo nhóm, đọc, tổng quan vấn đề nghiên cứu để xác định mục tiêu, nội dung nghiên cứu; kỹ năng xây dựng kế hoạch để giải quyết một vấn đề nghiên cứu từ đầu đến cuối; kỹ năng viết và trình bày báo cáo và kỹ năng viết báo cáo/bài báo khoa học; được đào tạo sử dụng các trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu", GS Phạm Thành Huy cho biết. Tại Trường Đại học Phenikaa, khi tham gia các nhóm nghiên cứu mạnh, các postdoc, NCS, học viên cao học, sinh viên sẽ được trao học bổng nghiên cứu và học bổng này sẽ do các trưởng nhóm nghiên cứu quyết định. Hiện tại mức học bổng cho nghiên cứu sau tiến sỹ gần 1.000 USD/tháng; Học bổng cho nghiên cứu sinh có 2 mức là 215 triệu đồng/3 năm và 150 triệu/3 năm. GS Huy cho biết, hiện các nhóm nghiên cứu của Trường đã nhận được những đặt hàng đầu tiên. Để giải quyết các đặt hàng thực tế này, các nhà khoa học đã lên kế hoạch nghiên cứu nắm bắt, giải mã các công nghệ chế tạo, sản xuất đang được sử dụng tại các công ty, kết hợp với các kỹ sư sản xuất xây dựng các nhóm liên ngành để giải từng bài toán cụ thể. Các trưởng nhóm nghiên cứu mạnh: 1- GS.TS Phạm Thành Huy (sinh năm 1972) Trưởng nhóm nghiên cứu Quang điện tử và Quang tử. Ông đã công bố 74 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus (H-index: 15), là tác giả và đồng tác giả của 8 bằng sáng chế/giải pháp hữu ích; Đã thực hiện 8 hợp đồng chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp và có nhiều sản phẩm thương mại hóa thành công. 2- GS.TS Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1972), Trưởng nhóm nghiên cứu Phát triển và ứng dụng cảm biến nano. Ông đã công bố 124 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus (H-index: 35). GS. Hiếu là nhà khoa học được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016. 3- TS Nguyễn Hữu Tùng (sinh năm 1982) - Trưởng nhóm nghiên cứu Hóa dược & Hoạt chất sinh học, đã công bố hơn 100 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus (H-index: 24). 4. PGS.TS Lê Anh Tuấn (sinh năm 1978) - Trưởng nhóm nghiên cứu Vật liệu Nano Y sinh - Môi trường, đã công bố hơn 77 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus (H-index: 20). 5. TS Phạm Việt Thành (sinh năm 1982) - Trưởng nhóm nghiên cứu Các hệ thống thông tin thông minh, đã công bố được hơn 80 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus (H-index: 27). 6. TS Vương Quân Hoàng (sinh năm 1972) - Trưởng nhóm nghiên cứu Phân tích dữ liệu trong Khoa học xã hội, đã công bố được hơn 80 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus (H-index: 21), là tác giả của 5 cuốn sách chuyên khảo được xuất bản bởi các NXB quốc tế uy tín. 7. TS Raja Das (sinh năm 1985, quốc tịch Ấn Độ) - Trưởng nhóm nghiên cứu Vật liệu nano cho ứng dụng điện tử và năng lượng tái tạo, đã công bố 61 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus (H-index 23). 8. PGS.TS Phùng Văn Đồng (sinh năm 1981) - Trưởng nhóm nghiên cứu Vật lý năng lượng cao và vũ trụ học, đã công bố 43 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus (H-index: 20). PGS. Phùng Văn Đồng được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa học trẻ năm 2016. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress