Người đàn ông ở Quảng Ninh nhập viện trong tình trạng nổi mẩn đỏ toàn thân, thở chậm, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cấp cứu ngày 10/5 với các biểu hiện sốc phản vệ. Buổi tối trước khi vào viện, người này uống rượu với thức ăn là ve sầu. Sau ăn khoảng 3 giờ, ông nổi mẩn đỏ toàn thân, ngứa, mệt mỏi, cảm giác lạnh người, khó thở, đại tiểu tiện không tự chủ, được người nhà đưa đi cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị sốc phản vệ độ III do ăn ve sầu, cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ. Bệnh nhân được tiêm thuốc Adrenalin, sử dụng thuốc vận mạch, truyền dịch và súc rửa dạ dày. Một bệnh nhân cũng bị sốc phản vệ do ăn trứng kiến được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: T.L Nhờ phát hiện và điều trị kịp thời, sau một ngày vào viện người bệnh đã ổn định, tỉnh táo, các chỉ số lâm sàng bình thường. Phản ứng phản vệ xảy ra khá đa dạng, có thể do thuốc hoặc hóa chất điều trị, dị ứng thức ăn, hóa mỹ phẩm và côn trùng đốt. Bệnh diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Bệnh nhân cần được cấp cứu sốc phản vệ ngay khi xuất hiện dấu hiệu ở da hoặc niêm mạc, kèm một trong các dấu hiệu đe dọa tim mạch như phù lưỡi, họng, khó thở, thở nhanh, có tiếng rít mệt, mạch nhanh, yếu, da lạnh... Lê Nga Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress